Thứ Bảy | 27/10/2012 20:57

Nhiều băn khoăn về các quy định trong Luật Thủ đô

Chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội đã làm việc tại tổ thảo luận về dự án Luật Thủ đô.
Thảo luận về dự án Luật Thủ đô, đại biểu Lê Đông Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng theo thông lệ quốc tế thì Thủ đô của một quốc gia là trung tâm chính trị của đất nước, chứ Thủ đô không là một đơn vị hành chính.

Đại biểu đánh giá dự thảo luật chưa phân biệt được nội dung điều chỉnh trung tâm hành chính chính trị quốc gia ở điểm nào. Theo đại biểu đối với các quy định trong dự thảo luật về các vấn đề khác như nội thành, ngoại thành, cư trú, xây dựng bệnh viện thì đó là những quy định như đối với các đô thị lớn khác, chứ không thấy đó là quy định đặc thù, khác biệt đối với Thủ đô.

Cùng với quan điểm này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét rằng dự án Luật chưa toát lên được tính đặc thù của Thủ đô. Đại biểu Lê Đông Phong đề xuất ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng dự thảo luật theo hướng có hẳn 1 phần điều chỉnh riêng cho trung tâm hành chính chính trị quốc gia để làm nổi bật vai trò, vị trí của Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội không đồng nhất với Thành phố Hà Nội - đại biểu nhấn mạnh. Đại biểu Lê Đông Phong nêu vấn đề cư trú quy định trong dự thảo Luật với mục đích quy định để chặt chẽ hơn so với Luật cư trú hiện hành.

Đại biểu băn khoăn vì như thế phải chăng quy phạm điều chỉnh về vấn đề cư trú của Luật Thủ đô lại vượt trên cả Luật cư trú. Như vậy "có đảm bảo được tính thống nhất của pháp luật hay không" - đại biểu nêu vấn đề.

Thảo luận về biểu tượng của Thủ đô Hà Nội vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng không nên chọn hình ảnh Khuê Văn Các làm biểu trưng cho Thủ đô vì từ trước tới nay khi nói tới Việt Nam, thế giới thường hay liên tưởng tới hình ảnh Tháp rùa Hồ Gươm hay Chùa Một Cột, chứ không phải là hình ảnh Khuê Văn Các.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng lựa chọn như ban soạn thảo lấy Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô là hợp lý. Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng chọn biểu tượng cho Thủ đô - trái tim của cả nước phải tổ chức cuộc lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, Hội đồng nhân dân Thành phố không thể thay mặt cả nước quyết định biểu tượng của Thủ đô. Nếu không, phải là Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định - đại biểu đề xuất.

Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng vấn đề quản lý đất đai không chỉ là vấn đề bức xúc của Hà Nội mà của tất cả các địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, đại biểu nhất trí với quy định cho Hội đồng nhân dân được phép ban hành các giải pháp giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ công trình, giải quyết cho người dân, phục vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng.

Đại biểu không đồng tình với quy định tại điểm c khoản 3 điều 18 thu phí giao thông vận tải cao hơn vì cho rằng quy định như vậy là chưa có tính khả thi khi hạ tầng cơ sở, các phương tiện công cộng chưa đảm bảo, cung cấp dịch vụ không tốt thì thu phí cao là bất hợp lý. Quan điểm này của đại biểu Lê Văn Hoàng nhận được sự đồng tình của một số đại biểu khác.

Về khoản 2 điều 20 quy định phạt cao hơn trong 3 lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, đại biểu Lê Văn Hoàng bày tỏ sự băn khoăn vì Luật xử lý vi phạm hành chính vừa ban hành đã quy định phạt cao hơn ở 3 lĩnh vực khác nên cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đánh giá dự thảo Luật Thủ đô nặng về quản lý nhiều hơn. Cho ý kiến về việc quy định mức thu phí giao thông vận tải và xử phạt hành chính cao hơn, đại biểu nêu quan điểm các địa phương làm tốt trên cơ sở luật pháp, trong khi đó Thủ đô lại có cơ chế đặc biệt. Đại biểu cho rằng Hà Nội cần phải bình đẳng như các địa phương khác.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện