Thứ Hai | 22/10/2012 09:47

Nhiệt điện Hải Dương xin lùi tiến độ

Dự án Nhiệt điện Hải Dương do Tập đoàn Malaysia đầu tư với quy mô vốn 2,25 tỷ USD đã chính thức đề nghị lùi tiến độ triển khai 1 năm.
Dự án Nhiệt điện Hải Dương do Tập đoàn JAKS Resources Berhad (Malaysia) đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác -chuyển giao (BOT) tại tỉnh Hải Dương có công suất 1.200 MW, với quy mô vốn lên tới 2,25 tỷ USD, là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào tỉnh Hải Dương từ trước tới nay.

Tại lễ khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án này (ngày 9/9/2011), các quan chức tỉnh Hải Dương đã đánh giá cao tầm quan trọng của dự án, đặc biệt trong việc tạo đột phá cho thu hút và giải ngân vốn FDI của Hải Dương, cũng như trong phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Theo kế hoạch được đưa ra, ngay sau lễ khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng, Tập đoàn JAKS Resources Berhad sẽ triển khai một loạt đầu việc để đến tháng 6/2012, hoàn tất thu xếp vốn và chính thức xây dựng nhà máy. Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 300 ha, với dự kiến quý IV/2016, tổ máy số 1 sẽ đi vào hoạt động và sẽ hoàn thành tổ máy số 2 vào quý II/2017.

Công trình sẽ vận hành như một nhà máy điện độc lập, với hợp đồng mua bán điện 25 năm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Kết thúc thời hạn vận hành, dự án sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam. Tập đoàn JAKS Resources Berhad cũng đã nộp khoản tiền hơn 20 triệu USD bảo lãnh ngân hàng theo hợp đồng BOT đã ký.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, đầu tháng 10, nhà đầu tư Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương đã chính thức đề nghị tới các cơ quan hữu trách của Việt Nam cho lùi thời hạn triển khai dự án thêm 1 năm, với lý do chưa thu xếp được tài chính, vì có thay đổi về nguồn vay so với dự tính trước đây.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay: “Bộ Công thương đã nhận được đề nghị này của nhà đầu tư. Với tình hình khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở nhiều quốc gia, thì việc nhà đầu tư gặp những khó khăn trong thu xếp vốn cho dự án cũng có thể hiểu được. Vì thế, họ đã đề nghị cho lùi tiến độ 1 năm. Hiện Bộ Công thương đã có báo cáo trình Chính phủ”.

Liên quan đến việc thu xếp vốn, trước một số thông tin cho rằng, chủ đầu tư dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương có thể đang tìm kiếm thêm đối tác để cùng triển khai, trong đó nhắm tới các đối tác Trung Quốc, ông Thắng cho biết, Tổng cục Năng lượng chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về việc nhà đầu tư tìm đối tác và nhà đầu tư cũng chưa có văn bản nào đề cập chuyện đó.

“Việc tìm kiếm thêm đối tác để chia sẻ dự án có thể xảy ra, nhưng nhà đầu tư nào cũng phải tuân thủ đúng các quy định trong Giấy phép đầu tư, cũng như các hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, hợp đồng mua bán than đã ký, tuân thủ một số quy định cụ thể về tỷ lệ vốn mà mình nắm giữ theo giấy phép được cấp lần đầu như không được nắm giữ dưới 51% trong khoảng thời gian quy định…”, ông Thắng nói và lưu ý, các dự án BOT trong lĩnh vực điện mất rất nhiều thời gian, ít nhất là 2 - 3 năm, để hoàn tất các hợp đồng liên quan.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện