Thứ Hai | 20/04/2015 05:41

Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) có bến đỗ mới

SFC có lợi thế hấp dẫn là hàng loạt mặt bằng trải rộng khắp TPHCM, và đây là lý do chính để STS mua lại 51% cổ phần SFC.

Sau nhiều năm kiêm nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh đã rời ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài gòn (SFC) và chỉ còn giữ chức Tổng Giám đốc kể từ tháng 4 này. Thay vào đó là ông Lê Trọng Hiếu, hiện đang làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS.

Trước đó, vào tháng 10.2014, ông Hiếu đã được bầu bổ sung vào Hội đồng Quản trị SFC sau khi STS hoàn tất quá trình chào mua và nắm 51% cổ phần tại Công ty. Đối với nhiều nhà đầu tư chứng khoán, SFC là một cái tên quen thuộc trong ngành xăng dầu vì đã niêm yết trên thị trường nhiều năm. Vậy còn STS là ai? Và vì sao lại mua SFC?

Công ty Cổ phần Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS là doanh nghiệp cổ phần do 9 cổ đông trong nước sở hữu và chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là một trong những doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp phép làm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu kể từ giữa năm 2013. STS cũng chính là đơn vị cung ứng xăng dầu cho SFC trong suốt thời gian qua, bên cạnh Saigon Petro.

Trước đây, STS được thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ hàng hải và giao nhận hàng hóa. Nhưng sau đó Công ty đã nhanh chóng mở rộng sang lĩnh vực xăng dầu từ khâu bán buôn đến khâu bán lẻ cho người tiêu dùng. Theo thông tin trên website của Công ty, các đại lý và tổng đại lý của STS có 186 điểm bán hàng, còn số cửa hàng trực thuộc Công ty là 27, tính đến cuối tháng 1.2015.

Trong năm 2013, doanh thu của STS đạt trên 4.000 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ hơn 2 tỉ đồng. Dù vậy, mức lợi nhuận này đã được cải thiện trong năm 2014 và dự kiến có thể sẽ tốt hơn nữa khi “bén duyên” cùng SFC.

CUỘC HÔN NHÂN GIỮA SFC VÀ STS

Có thể nói, quá trình STS trở thành công ty mẹ của SFC diễn ra cực nhanh. Cụ thể, sau khi mua thỏa thuận xấp xỉ 25% cổ phần SFC từ Công ty Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ), STS đã tiến hành chào mua công khai và nhanh chóng nắm giữ cổ phần chi phối với tổng số tiền bỏ ra trên 170 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC).
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC).

Trong khi trước đó, lúc PNJ quyết định thoái vốn hoàn toàn khỏi SFC, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh đã đăng ký mua 2 triệu cổ phần để tăng tỉ lệ sở hữu tại công ty này lên gần 23%, nhưng kết quả không thành công do “không đạt được giá như mong muốn”. Và sau đó một thời gian (sau khi STS trở thành Công ty mẹ), ông Quỳnh lại đăng ký bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ với lý do cá nhân, khiến thị trường rộ lên tin đồn về những bất đồng trong quản trị.

Tuy nhiên, ông Quỳnh đã xác nhận với NCĐT rằng: “Không có chuyện bán cổ phần vì không hợp tác được với STS. Số cổ phần tôi nắm giữ hiện tại là không nhiều, trong khi lại cần đầu tư và tiêu dùng cá nhân nên phải bán. Tôi vẫn là Tổng Giám đốc của SFC”.

Trước khi bén duyên với SFC, STS cũng đã nắm giữ khoảng 35% cổ phần tại Công ty Cổ phần Xăng dầu Tín Nghĩa. Điều này phù hợp với chiến lược “đầu tư góp vốn vào một số công ty hoạt động trên các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Công ty đạt hiệu quả cao nhất” như công bố trên website của công ty này.

Và phát triển mạng lưới xăng dầu chính là điều mà STS công bố về lý do thâu tóm SFC. Hiện nay, với hơn 20 trạm kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM, SFC hiện được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có quy mô vừa phải, nhưng hoạt động kinh doanh khá hiệu quả.

Có thể thấy rõ điều này trong 3 năm qua (2012-2014): dù doanh thu từ kinh doanh của SFC chưa tới một nửa của Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu (COM) hay ngang với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (PIT), nhưng tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của SFC (hệ số ROE) luôn cao hơn 2 công ty này. Tỉ lệ này đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua và đạt mức cao nhất gần 21% vào năm 2014.

LỢI THẾ QUỸ ĐẤT CỦA SFC

Với mảng kinh doanh nhiên liệu chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối trong doanh thu nhưng chỉ đóng góp khoảng 60% lợi nhuận trước thuế do biên lợi nhuận gộp của hoạt động này rất thấp, nhờ đâu SFC lại có được tỉ suất sinh lợi cao như trên?

Điểm hấp dẫn nhất của SFC chính là nguồn lực bất động sản với 40 mặt bằng trải rộng khắp TP.HCM mà Công ty được thừa hưởng từ khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Lợi thế này đã được ông Nguyễn Tuấn Quỳnh khai thác triệt để khi phần diện tích đất chưa được sử dụng kinh doanh xăng dầu sẽ được khai thác bằng hình thức hợp tác kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau. Mảng kinh doanh này dù chiếm tỉ trọng doanh thu rất thấp nhưng lại đóng góp đến 30% lợi nhuận cho Công ty.

Nhìn vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, có thể thấy mảng dịch vụ hợp tác kinh doanh ngày càng có vai trò quan trọng đối với SFC. Đó cũng là lý do mà trong kế hoạch kinh doanh năm 2015, Công ty tiếp tục đặt mục tiêu đạt lợi nhuận cho mảng này cao hơn hoạt động kinh doanh xăng dầu và nhớt.

Cũng liên quan đến kế hoạch năm 2015, SFC đã đặt chỉ tiêu mức lãi dự kiến giảm 35% so với kết quả thực hiện năm trước. Một trong những lý do ông Quỳnh lý giải tại Đại hội cổ đông vào đầu tháng này là SFC “giảm tỉ lệ bán buôn đại lý vì đây không phải là hoạt động trọng tâm của Công ty”. Đây được xem như là một chiến lược mới của SFC khi trở thành công ty con của một đầu mối xăng dầu (STS chủ yếu bán buôn).

Trao đổi với NCĐT, ông Quỳnh cho rằng “STS trở thành công ty mẹ sẽ tốt hơn cho cả STS và SFC. STS là công ty đầu mối và hoàn toàn ủng hộ chiến lược của SFC khi trở thành công ty bán lẻ xăng dầu lớn (phát triển mạnh mạng lưới SFC) và kinh doanh hiệu quả ở phía Nam”.