Thiên Phong Thứ Ba | 24/01/2017 07:30

Nhật tăng tốc đổ vốn vào bất động sản Việt Nam

Dự báo sẽ có 2 tỉ USD vốn rót từ nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam trong thời gian tới.

Những năm gần đây, người Nhật liên tục mạnh tay đầu tư vào các trung tâm mua sắm tại Việt Nam. Năm ngoái, hệ thống Aeon Mall tiếp tục khai trương trung tâm mới ở quận Bình Tân (TP.HCM). Sau đó, lại xuất hiện thêm ngôi sao mới nổi Takashimaya ở trung tâm quận 1.

Không chỉ dấn sâu vào bất động sản bán lẻ, người Nhật còn tỏ rõ nhiều tham vọng khi muốn tham gia vào các phân khúc căn hộ, văn phòng và cả hạ tầng. Toshin, công ty Nhật đứng sau Takashimaya, đang có ý định tiếp tục đầu tư một dự án khoảng 100 triệu USD trong năm nay. Trong khi đó, Tập đoàn Mitsubishi thành lập liên doanh cùng Bitexco phát triển dự án nhà ở với quy mô khoảng 290 triệu USD ở Hà Nội. Hay Tập đoàn Kajima thành lập liên doanh với Indochina Capital dự kiến mua lại các dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 1 tỉ USD trong 10 năm tới. Không chỉ những dự án lớn, các dự án tiềm năng có quy mô nhỏ hơn cũng được tìm đến ráo riết. Gần đây nhất là quỹ đầu tư Lemongrass Master Fund tuyên bố rót thêm 100 triệu USD vào Sơn Kim Land, sau khi đầu tư 37 triệu USD vào năm 2013.

Sau Hàn Quốc, người Nhật hiện giữ vai trò số 2 trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Trong lĩnh vực bất động sản, quy mô đầu tư của Nhật vẫn còn thua kém nhiều so với làn sóng Hallyu. Tính đến tháng 11.2016, Nhật có 53 dự án với tổng vốn đầu tư 1,91 tỉ USD (chiếm hơn 4,5% tổng vốn FDI), thấp hơn nhiều so với con số 8,2 tỉ USD của Hàn Quốc (chiếm 16,1% tổng vốn FDI). Thương vụ đình đám gần đây là việc Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Hàn Quốc) hợp tác với AON BGN mua lại tòa nhà Keangnam Landmark 72 ở Hà Nội trị giá 382 triệu USD.

“Khoảng 20 năm về trước, nhà đầu tư Nhật không hề quan tâm đến lĩnh vực này”, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc Điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của Tập đoàn Recof, cho biết tại Diễn đàn M&A Bất động sản vào tháng 7 vừa qua. Còn từ năm 2015 cho đến tháng 7.2016, Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước ASEAN về số thương vụ M&A từ Nhật, theo số liệu của tập đoàn này.

Thị trường Việt Nam đang đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật trong thời điểm hiện nay. Lý do là vì môi trường đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Ở khía cạnh khác, Nhật là chủ nợ lớn cung cấp các khoản vay ưu đãi ODA quan trọng cho Việt Nam. Với lợi thế thừa vốn, các tập đoàn từ xứ sở mặt trời mọc đã và đang nhảy vào lĩnh vực thâm dụng vốn lớn như bất động sản.

“Chi phí đi vay ở Nhật rất thấp, lãi suất âm và lợi nhuận bị thu hẹp tại Nhật đã khiến các nhà đầu tư chú ý đến bất động sản và mức lợi nhuận tốt tại thị trường Việt Nam so với Nhật”, ông Ben Gray, Giám đốc bộ phận đầu tư thị trường vốn thuộc Cushman & Wakefield, nhận định.

Trong cuộc chơi bất động sản, người Nhật có lợi thế lớn khi đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam từ trước đến nay. Một dự án cơ sở hạ tầng nổi bật gần đây là tuyến đường sắt đô thị Metro đang được xây dựng ở TP.HCM. Chính quyền Thành phố hồi tháng 5 năm ngoái cũng đã đề xuất với Chính phủ chỉ định Toshin, công ty sở hữu Takashimaya cũng đồng thời đại diện cho liên danh gồm Toshin Development, JOIN, Nikken Sekkei và Osaka Chikagai, làm nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành.

Nhat tang toc do von vao bat dong san Viet Nam
Ảnh: japantimes.co.jp

Đề xuất này vẫn còn chờ được phê duyệt nhưng khả năng Toshin được chọn là khá cao, bởi nhà đầu tư này cam kết hỗ trợ kêu gọi vốn ODA từ Chính phủ Nhật. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao ông Ben Gray, Cushman & Wakefield, cho rằng bất động sản gắn liền với đất và hạ tầng sẽ được chú ý nhiều hơn trong năm nay.

Hiện tại, tuy chậm chân so với các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, nhưng tương lai người Nhật sẽ còn đổ thêm nhiều vốn hơn vào Việt Nam. Một con số khoảng 2 tỉ USD đang được nhắc đến để mô tả sức chảy của dòng vốn trong thời gian tới (theo dự báo của Cushman & Wakefield), tức hơn gấp đôi so với tổng vốn đầu tư từ trước đến nay của quốc gia này.

Trên thực tế, có nhiều cơ hội M&A đang mở ra cho doanh nghiệp Nhật (cũng như doanh nghiệp các nước khác), khi Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thoái vốn khỏi các công ty nhà nước. Nhiều công ty trong số đó sở hữu quỹ đất có vị trí đắc địa. Theo quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành gần đây, trong giai đoạn 2016-2020 Chính phủ sẽ tiếp tục cổ phần hóa khoảng 240 doanh nghiệp nhà nước. Cơ hội sở hữu chi phối nằm ở 106 doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Một số cái tên đáng chú ý như Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tổng Công ty Giấy Việt Nam...

Trong xu hướng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, M&A dự án vẫn là con đường khả dĩ nhất, vì quỹ đất đã eo hẹp trong khi thủ tục đầu tư bất động sản ở Việt Nam là không đơn giản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải dự án nào có mặt người Nhật là nắm chắc phần thắng. Một số dự án bất động sản có đồng chủ đầu tư là người Nhật chưa đạt chất lượng và tiến độ như kỳ vọng.

“Tôi không nhận thấy sự khác nhau giữa các nhà đầu tư Nhật so với bất kỳ nhóm đầu tư nào khác. Một số dự án mà họ mua lại trên thị trường trước đây đã được gác sang một bên hoặc bán lại. Nhưng nói chung sự tinh tế của những nhà đầu tư này dẫn đến nhiều chiến thắng hơn là thất bại”, ông Ben Gray nhận định.

Thiên Phong