Nhật đầu tư lớn vào nhiệt điện và hạ tầng ở Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2017 tăng 44,4% so với năm 2016 lên mức 35,8 tỷ USD. Đầu tư của Nhật tăng hơn gấp ba lần lên mức kỷ lục 9,11 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng vốn FDI. Xuất khẩu cơ sở hạ tầng là động lực chính cho chi tiêu của Nhật Bản.
Dự án lớn nhất là nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn do tập đoàn Marubeni đầu tư trị giá 2,79 tỷ USD tại Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Tập đoàn Nhật Bản sẽ thực hiện dự án này thông qua hình thức BOT.
Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, có vốn FDI đăng kí 2,58 tỷ USD, do tập đoàn Sumitomo đầu tư tại Khánh Hoà là một dự án đáng chú ý khác. Trong khi đó, Mitsui Oil Exploration đã hợp tác với Tổng Công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) xây dựng đường ống dẫn khí thiên nhiên lô B - Ô Môn, tại tỉnh Kiên Giang, trong một dự án trị giá 1,27 tỷ USD tại Kiên Giang. Dự kiến, đường ống dẫn khí thiên nhiên lô B - Ô Môn sẽ vận chuyển khoảng 20,3 triệu m3 khí/ngày để cung cấp khí nguyên liệu cho 2 nhà máy phát điện có tổng công suất 3.660 MW.
Số thương vụ đầu tư của Nhật tại tăng 23% lên mức kỷ lục 1.025. Các nhà sản xuất, phân phối và các công ty dịch vụ vừa và nhỏ đã tăng cường chi tiêu, và nhiều doanh nghiệp đang mua vào các doanh nghiệp Việt Nam. Công ty Sekisui Chemical đã mua lại 15% cổ phần của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong trong tháng 10 này khi Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2016 khi Samsung Electronics thành lập các cơ sở sản xuất smartphone lớn ở phía Bắc và các tập đoàn như LG, CJ và Lotte cũng tăng cường hoạt động tại Việt Nam.
Trong khi đó, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã suy giảm trong những năm qua. Nhưng bây giờ, xuất khẩu cơ sở hạ tầng đang tạo ra một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản, và Việt Nam cũng đang nỗ lực thu hút thêm nguồn vốn tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nợ công gia tăng.
Theo Nikkei, công nghệ xây dựng của Nhật Bản được đánh giá cao ở Việt Nam, và nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang được thực hiện thông qua hợp tác công tư. Nhiều người hy vọng rằng sự tham gia của Nhật Bản sẽ mang lại những công nghệ tiên tiến và cải tiến quản lý kinh doanh.
Trong một động thái khác, nhiều công ty nhà nước của Việt Nam đang chuẩn bị chào bán cổ phần của mình cho các đối tác tư nhân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ hy vọng rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ trở thành các nhà đầu tư chiến lược và tạo động lực mới cho cải cách doanh nghiệp nhà nước.