Nguồn vốn FDI của các nước vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. Ảnh:TL.

 
Minh Anh Thứ Năm | 25/02/2021 09:46

Nhật Bản vượt Singapore dẫn đầu nguồn vốn FDI vào Việt Nam

5,46 tỉ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, Nhật Bản vượt Singapore dẫn đầu thị phần.

Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của Việt Nam nhưng nguồn vốn FDI của các nước vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, chia sẻ.

Các dự án lớn trong 2 tháng đầu năm 2021 là: Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỉ USD; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD; Dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang...

Tính đến ngày 20.2.2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỉ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,5 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện có 126 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 74,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 3,31 tỉ USD, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Về vốn điều chỉnh, có 115 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 23,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,61 tỉ USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ. Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 445 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), giảm 71,9% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 543,1 triệu USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ.

Ảnh:
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá nhiều doanh nghiệp ĐTNN tiếp tục có sự phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: TL.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá nhiều doanh nghiệp ĐTNN tiếp tục có sự phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch COVID-19. Minh chứng bằng việc vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 2 tháng đầu năm tăng 2% so với cùng kỳ.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 2 tháng đầu năm, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới/điều chỉnh các dự án ĐTNN tại Việt Nam.

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn cũng như góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đều giảm so với cùng kỳ.

 

Số dự án điều chỉnh vốn tuy giảm song quy mô vốn điều chỉnh tăng, từ 4,2 triệu USD/lượt trong 2 tháng năm 2020 lên gần 14 triệu USD/lượt trong 2 tháng năm 2021. Điều này đã làm tăng tổng vốn đầu tư điều chỉnh lên gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Đối với vốn đăng ký mới và góp vốn mua cổ phần tuy vẫn giảm, song mức độ giảm đã được cải thiện.

Trong 2 tháng, xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3 tỉ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,44 tỉ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 485 triệu USD và gần 153 triệu USD.

Xét theo đối tác đầu tư, đã có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 1,64 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore, sau khi liên tục đứng đầu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2020, đã lui xuống vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,07 tỉ USD, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Mĩ,…

►Việt Nam là điểm sáng trong cuộc đua thu hút FDI