Nhật Bản tăng tuyển dụng lao động Việt Nam
"Thị trường Nhật Bản rất khắt khe, đơn cung ứng nào đi được 10 - 15 lao động đã là nhiều rồi. Tuy nhiên, gần đây nhiều đơn chào cung ứng lao động sang Nhật có số lượng lớn hơn", ông Hùng cho biết. Ông hy vọng, năm nay công ty sẽ đưa khoảng 200 lao động qua Nhật, gấp đôi năm 2012.
Ông Lê Nhật Tân, giám đốc trung tâm phát triển nguồn nhân lực LOD thuộc công ty LOD cũng cho biết, Nhật đang có xu hướng tuyển dụng lao động Việt Nam thay vì lao động Trung Quốc. Lao động Trung Quốc chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Những đơn yêu cầu cung ứng từ lao động Trung Quốc chuyển sang thường có số lượng lớn, khoảng vài chục lao động trở lên và có xu hướng tăng.
Hiện nay cả nước đang có khoảng 100 doanh nghiệp được phép cung ứng lao động sang Nhật Bản làm việc. Nhật Bản là một thị trường lao động tốt với mức lương của người lao động cao, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của lao động cơ bản được đảm bảo và chi phí trước khi đi của lao động khá tốt, khoảng từ 70 - 90 triệu đồng/người. So với thị trường lao động Đài Loan thì mức phí ở thị trường Nhật Bản tốt hơn hẳn.
Trong năm 2012, tổng số lao động được đưa sang Nhật làm việc là 8.775 người. Trung bình mỗi tháng có 731 lao động được đưa sang Nhật. Thị trường lao động Nhật Bản khá đặc thù, không tiếp nhận lao động ồ ạt mà thường rất nhỏ giọt và cẩn thận. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 tới nay đã xuất hiện nhiều đơn yêu cầu cung ứng số lượng lao động từ 50 - 100 người.
Trong ba tháng trở lại đây, số lượng các đơn yêu cầu cung ứng từ các đối tác Nhật Bản với doanh nghiệp xuất khẩu lao động liên tục tăng ổn định. Theo cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong tháng 10/2012 có 1.900 lao động được thẩm định hợp đồng sang Nhật, tháng 11/2012 có 1.999 lao động và đến tháng 12/2012 có 1.720 lao động được thẩm định hợp đồng.
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động, với xu hướng này, số lượng lao động được đưa sang Nhật Bản làm việc năm nay chắc chắn tăng hơn năm 2012.
Tuy nhiên, để mở rộng thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp vẫn phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo lao động. "Sự gia tăng nhu cầu tiếp nhận lao động từ Nhật Bản đối với lao động Việt Nam là một tín hiệu mừng, nhưng nếu doanh nghiệp không duy trì được nhịp đào tạo lao động thật tốt thì thị trường này sẽ không lâu bền được. Đây là thị trường tuyển chọn lao động khắt khe", ông Tân nói.
Nguồn Sài Gòn tiếp thị