Chủ Nhật | 01/09/2013 21:20

Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược lớn nhất của Việt Nam

Nhật Bản hiện tại đứng đầu về số vốn đăng ký và đã giải ngân với 1990 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực.
Ngày 21/9/1973 - 21/9/2013 - tròn 40 năm kỷ niệm quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Sau 40 năm kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên tất cả các lĩnh vực

Nhân dịp này, phóng viên VOV online phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh về quan hệ hợp tác 40 năm Việt Nam - Nhật Bản.

PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong 40 năm qua, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Có thể nói rằng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là quan hệ mẫu mực, nâng lên một tầm cao mới thành đối tác chiến lược. Sự tin cậy và chia sẻ giữa hai Chính phủ, nhân dân hai nước là một trong những điều quan trọng nhất, tạo nền tảng cho quan hệ bền vững của hai nước trên các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến quốc phòng an ninh, văn hóa…

Một biểu hiện sinh động, tháng 3/2012, khi Nhật Bản hứng chịu cơn động đất sóng thần, nhân dân Việt Nam từ vùng xuôi đến miền ngược, người trẻ đến người già đều đóng góp một phần nhỏ để chia sẻ tình thương cho nhân dân Nhật Bản, như người thân trong cùng một đất nước, cùng một gia đình. Điều này đã gây được ấn tượng tốt đối với người dân Nhật Bản.

Nhật Bản không chỉ là quốc gia đứng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn là nước đứng đầu về ODA (Viện trợ phát triển chính thức) giành cho Việt Nam. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rất coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Chính vì vậy, ngay sau khi lên nhậm chức, Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên trong chuyến công du các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Điều đó khẳng định, Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Và mối quan hệ đó hết sức bền vững. Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất cả về số vốn đăng ký và đã giải ngân với 1990 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực với số vốn 32,667 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

PV: Nhật Bản vừa là đối tác quan trọng của Việt Nam vừa là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Theo Bộ trưởng, ý nghĩa của nguồn vốn này và Việt Nam đã sử dụng nguồn vốn này như thế nào?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong các cuộc làm việc và tiếp xúc, JICA đã đánh giá cao việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam.

Đối với Việt Nam, nguồn vốn ODA của các nước là một nguồn lực rất quan trọng. Bởi đó không chỉ là nguồn tiền to lớn để Việt Nam đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và giải quyết những vấn đề về mặt xã hội mà còn là nguồn lực, những kinh nghiệm và tri thức của nhân loại mang đến cho từng dự án một.

Qua mỗi một dự án, chúng ta không chỉ được hưởng để làm 1 chiếc cầu hay nhà máy điện mà chúng ta hiểu cả một trình độ quản lý hiện đại, phong cách làm việc và cách sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả nhất. Đấy là những vấn đề rất quan trọng đối với đất nước đang phát triển như Việt Nam.

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã thu hút trên 73 tỷ USD nguồn vốn ODA. Con số này không hề nhỏ. Nói như thế để biết rằng, nguồn vốn hỗ trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vô cùng quan trọng. Hầu hết tất cả các công trình kết cấu hạ tầng như: giao thông, điện, cấp thoát nước, hạ tầng đô thị lớn ở Việt Nam đều là những công trình do Nhật Bản tài trợ.

Nhật Bản là quốc gia hàng đầu trong việc cung cấp ODA cho Việt Nam. Thậm chí có những năm tài khóa Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam tới 40% tổng vốn hỗ trợ ODA của toàn bộ quốc tế, các nhà đối tác phát triển cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều chiến lược phát triển như: Chiến lược phát triển công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật để đưa ra được những lợi thế của Việt Nam, những ngành công nghiệp mà phía Nhật Bản quan tâm để 2 bên có thể làm nền tảng cho sự hợp tác đầu tư trực tiếp và giúp cho các tập đoàn lớn Nhật Bản vào Việt Nam làm ăn.

Nhật Bản cũng giúp Việt Nam trong nhiều khuôn khổ hợp tác khác như hợp tác PPP (hợp tác đối tác công tư). Lĩnh vực này Nhật Bản rất có kinh nghiệm, Việt Nam đang bắt đầu chuyển dần việc sử dụng chủ yếu ngân sách nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng sang cho tư nhân tham gia cùng với nhà nước.

Tôi có thể tóm tắt một số điểm như vậy để thấy Nhật Bản không chỉ là đối tác công cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam và ODA của Nhật Bản hầu hết tập trung kết cấu hạ tầng quan trọng nhất của đất nước tạo ra đột phá cho nền kinh tế Việt Nam, tham gia vào những chiến lược, quy hoạch, mở ra kênh huy động mới cho Việt Nam.

PV: Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về giải ngân ODA của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việc giải ngân nguồn vốn ODA của Việt Nam là một vấn đề nan giải và nhạy cảm. Chậm giải ngân là bệnh cố hữu của Việt Nam.

Có thể nói, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn ODA chậm, nhưng trong đó có việc chậm giải phóng mặt bằng và vốn đối ứng. Đây là vấn đề mà các địa phương và các chủ dự án rất lo lắng. Chậm giải ngân kéo dài nhiều năm làm cho nguồn vốn đội lên, sau đó lại mất công phải điều chỉnh. Đây là nguyên nhân rất lớn. Chính vì thế, chúng ta rút ra bài học, một đồng ODA là vô cùng quý cho nên phải biết tận dụng nguồn vốn của nước ngoài dành cho thật hiệu quả.

Trong 2 năm (2011 - 2012) vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất quyết liệt trong vấn đề này. Chúng tôi tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết triệt để vấn đề này, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng phải thống nhất ở các địa phương trong cả nước và ứng trước vốn cho việc giải phóng mặt bằng.

Năm 2012, là năm thành công trong việc thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA. Các tháng đầu năm 2013, chúng ta đã giải ngân được gần 4 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm trước. Chưa bao giờ Việt Nam lại giải ngân nguồn vốn ODA lại tốt như vậy. JICA đã đánh giá rất cao quyết tâm này của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn VOV News


Sự kiện