Thứ Ba | 10/12/2013 09:30

Nhập siêu từ Trung Quốc tăng 100 lần

Chỉ trong vòng hơn 10 năm, nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam đã tăng gấp 100 lần.
Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc đã lên đến 30,37 tỉ USD, con số này đã khiến nhập siêu từ Trung Quốc vọt lên hơn 19,6 tỉ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2012. Còn nếu tính từ năm 2001 đến nay, nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng gấp 100 lần...
Nhập từ bao lì xì đến dây thun
Hàng Trung Quốc đã phủ khắp các chợ, cửa hàng tạp hóa vùng ven, siêu thị, trung tâm thương mại... Người bán hàng luôn ưu ái hàng Trung Quốc hơn vì hai tiêu chí mẫu mã và giá cả.
Lãnh đạo một số chi cục hải quan phụ trách những cảng biển lớn ở TP.HCM nói rằng hàng Trung Quốc nhập khẩu quá nhiều đến mức việc thống kê, lấy dữ liệu nhập khẩu vô cùng khó khăn.
Bà Lý Phụng Kiều, một đầu mối chuyên nhập khẩu và phân phối lại các loại bao lì xì cho những người bán sỉ ở khu vực TP.HCM và một số tỉnh lân cận, cho biết bao lì xì Trung Quốc đã nhập khẩu về được khoảng một tháng trở lại đây, với khoảng 300 mẫu mã các loại nên hàng bán rất chạy.
Bao lì xì được bày bán tràn lan thị trường
Bao lì xì được bày bán tràn lan thị trường
Toàn bộ đều được sản xuất tại Quảng Đông (Trung Quốc). Trong khi đó, hàng sản xuất trong nước chỉ lèo tèo vài mẫu, chưa kể giá cao hơn, còn hàng Trung Quốc gần như không đổi giá. Hồi năm 2006 giá bán trong khoảng 2.000-6.000 đồng/bịch sáu bao tùy loại, nay giá chỉ 3.000-3.500 đồng/bịch. Trong khi đó hàng Việt mắc gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Không chỉ bao lì xì, cơ quan hải quan ở TP.HCM cho biết còn có cả dây thun, thiệp chúc mừng, dây ruybăng, băng keo dán, gôm tẩy học sinh, lược chải tóc... vốn là những mặt hàng hết sức nhỏ nhặt cũng được nhập khẩu về Việt Nam.
Đáng chú ý là trong số những mặt hàng đang bán ra trên thị trường với các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng thực tế nhập từ Trung Quốc.
Cụ thể là loại bánh xốp mềm Mochi Sweets, theo hải quan TP.HCM, bánh Mochi Sweets được nhập khẩu từ Trung Quốc và đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH DL Sweets. Công ty này đăng ký nhập đủ các vị dâu, sôcôla, dừa, trà xanh, chanh... Dữ liệu từ Cục An toàn thực phẩm cũng cho thấy bánh Mochi Sweets chỉ có một doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu và toàn bộ đều có xuất xứ Trung Quốc.
Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), theo ông Đào Văn Phú - chủ quầy giày dép ở tầng 1, không chỉ lĩnh vực giày dép mà gần như tất cả mặt hàng khác ở chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc này ít nhất có đến hơn 50% đến từ Trung Quốc.
Theo ông Phú, hộ kinh doanh nào cũng phải đa dạng hóa nguồn hàng, giá cả. So với hàng VN, hàng Trung Quốc thường có mẫu mã đẹp hơn, giá rẻ hơn dù chất lượng kém hơn. Thậm chí có một số mẫu hàng của VN đẹp, của thương hiệu uy tín, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau hàng Trung Quốc cũng có mẫu tương tự, giá rẻ hơn.
Ngành chủ lực phụ thuộc nguyên liệu đầu vào
Là đất nước nông nghiệp nhưng đầu vào cho sản xuất lúa gạo như giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu của Việt Nam đều được nhập khẩu tới hơn 50% từ Trung Quốc.
Ở một số tỉnh phía Bắc còn gieo trồng 100% giống lúa nhập khẩu từ Trung Quốc mặc dù giống lúa này có giá bán cao hơn so với giống lúa trong nước, chất lượng kém hơn, hàm độ dinh dưỡng không bằng nhưng lại cho năng suất và sản lượng cao hơn hẳn.
Sản xuất lúa gạo của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc
Sản xuất lúa gạo của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc
Nguồn phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm tới 49% tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng này, tức là khoảng hơn 2 triệu tấn, tương đương 0,8 tỉ USD.
Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu 11 tháng đầu năm 2013 đạt 689 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu chính, chiếm 49,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 3,8% so với thị phần của năm 2012.
Không chỉ nông nghiệp, sản xuất công nghiệp ở các ngành sản xuất da giày, dệt may cũng trong tình trạng tương tự.
Mặc dù dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng 20%/năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhưng hiện nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài: 70% nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam phải nhập khẩu.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm chiếm tới 32,53% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngành dệt may, da giày là 2,73 tỉ USD.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành tỏ ra e ngại khi dệt may và da giày quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Phụ thuộc cả đầu ra sản phẩm
Đầu ra của các sản phẩm như lúa gạo, thủy sản, cao su, hồ tiêu... cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của VFA, đến 9 tháng đầu năm 2013, Trung Quốc đã mua khoảng 3 triệu tấn gạo của Việt Nam (tăng nửa triệu tấn so cả năm 2012), trong đó có 1,76 triệu nhập qua đường chính ngạch, 1,2 triệu tấn còn lại theo đường tiểu ngạch.
Như vậy, lượng gạo xuất sang Trung Quốc chiếm khoảng 50% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Chứng kiến số lượng lớn gạo được xuất khẩu ồ ạt qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt lo lắng nguồn cung cho xuất khẩu chính ngạch sẽ cạn kiệt, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ còn trữ trong kho vài trăm ngàn tấn, có thể nói đã hết gạo để xuất khẩu chính ngạch với số lượng lớn.
Ngoài ra, thương lái Trung Quốc còn đồng ý trộn gạo cấp cao với cấp thấp có thể sẽ gây rủi ro cho thị trường và thương hiệu gạo Việt Nam về lâu dài.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh không phải là tín hiệu đáng mừng
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh không phải là tín hiệu đáng mừng
Thời gian qua, việc Trung Quốc ồ ạt mua tôm Việt Nam cũng đã đến mức báo động khi thương lái thu mua tôm nguyện liệu bất kể cỡ tôm và chất lượng để đưa sang Trung Quốc đã làm loạn thị trường tôm nguyên liệu trong nước.
Tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 10 tháng đầu năm đạt 462 triệu USD, tăng 37%, trong đó xuất khẩu tôm tăng gần 50% đạt 310 triệu USD, chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này.
Riêng trong tháng 10, tôm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm tăng mạnh nhất và tăng liên tục qua các tháng (tăng 25- 115%). Thậm chí có một vài tháng trong năm nay, Trung Quốc vượt qua cả EU về giá trị nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Tuy nhiên, VASEP nhận định, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh không phải là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thiếu nguồn nguyên liệu cho những thị trường có nhu cầu và giá nhập khẩu cao như Mỹ, Nhật Bản và EU.
Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Giá cao su trên thị trường này cũng đang giảm khá nhiều, nhiều doanh nghiệp trong nước đã giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để tránh phụ thuộc về giá.

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện