Nhập siêu 300 triệu USD trong tháng 8
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 11,5 tỷ USD giảm 0,85% so với thực hiện tháng 7, tăng 11,4% so với tháng cùng kỳ năm 2012.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 8 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 84,8 tỷ USD tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) tháng 8 ước tính đạt 7,53 tỷ USD và 8 tháng đạt 56,1 tỷ USD tăng tương ứng là 14,4% và 21,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước thấp hơn khá nhiều so với khu vực FDI, tháng 8 ước đạt 3,97 tỷ USD tăng 6,1% và 8 tháng ước đạt 28,7 tỷ USD tăng 3,1% so với cùng kỳ 2012.
Một số mặt hàng có kim ngạch chiếm tỷ trọng lớn như điện thoại các loại và linh kiện (15,8%), điện tử máy tính và linh kiện (7,9%), hàng dệt may (13,2%), giầy dép (6,5%) vẫn có xu hướng tăng, tuy nhiên các mặt hàng này đều thuộc về các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản có xu hướng giảm so với cùng kỳ phần nào ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nói chung.
Về thị trường, EU vẫn là thị trường lớn nhất với tỷ trọng gần 20%, tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm khoảng 18%, tiếp theo là khu vực ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhập khẩu tháng 8 ước đạt 11,8 tỷ USD tăng 5,2% so với thực hiện tháng 7 và tăng 13,5% so với tháng cùng kỳ năm 2012, cho thấy dấu hiệu khá hơn của nhu cầu sản xuất trong nước.
Tính đến hết tháng 8 nhập khẩu ước đạt 85,4 tỷ USD tăng 14,9% so với cùng kỳ 2012.
Nhập khẩu của khu vực FDI tháng 8 ước đạt 6,65 tỷ USD và 8 tháng đạt 48,3 tỷ USD, tăng tương ứng là 25,8% và 25,1% so với cùng kỳ năm 2012, trong khi của khu vực trong nước tháng 8 ước đạt 5,15 tỷ USD và 8 tháng đạt 37,1 tỷ USD, tăng tương ứng 14,7% và 4,0% so với cùng kỳ năm 2012, thấp hơn khá nhiều so với khu vực FDI cho thấy sản xuất của doanh nghiệp trong nước vẫn còn khó khăn.
Các mặt hàng nhập chủ yếu vẫn là nguyên nhiên vật và hàng gia công lắp ráp như xăng dầu, linh kiện điện tử và máy tính, vải các loại.
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước thuộc khu vực ASEAN, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ các thị trường này so với cùng kỳ cùng khá cao: Trung Quốc trên 25%, Hàn Quốc trên 30%.
Như vậy, ước tính tháng 8 nhập siêu 300 triệu USD và 8 tháng nhập siêu 577 triệu USD tương đương 0,7% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI (gồm cả dầu thô) vẫn xuất siêu 7,8 tỷ USD, nhập siêu hoàn toàn do khu vực doanh nghiệp trong nước.