Chủ Nhật | 04/11/2012 14:41

Nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế tiếp tục sụt giảm

Trong khi đó, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 82,52 tỷ USD, tăng 9,5%.
Theo Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trong 10 tháng năm 2012 tiếp tục thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu góp phần cải thiện cán cân thương mại. Nhập khẩu của nhóm cần hạn chế và cần kiểm soát nhập khẩu tiếp tục giảm; nhóm cần nhập khẩu tăng thấp.

Tuy nhiên, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm, trong khi nhập khẩu của khối doanh nghiệp nước ngoài vẫn tăng cao. Điều này cho thấy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn tiếp tục gặp khó khăn.

Số liệu cụ thể cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước 10 tháng ước đạt 93,81 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng trên 50% với 49,19 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Xét theo nhóm hàng, so với cùng kỳ, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 82,52 tỷ USD, tăng 9,5%. Trong khi đó, nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu lần lượt giảm trên 36% và 7%.

a
Xét theo mặt hàng, so với cùng kỳ, 21 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm và linh kiện và nhóm máy móc, thiết bị phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất với cùng trên 10 tỷ USD.

Trong 10 tháng đầu năm, một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng cao như: dược phẩm tăng 20,6%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 23,4%; máy tính, sản phẩm và linh kiện tăng 77,5%; điện thoại các loại và linh kiện (trừ điện thoại di động) tăng 63%; phế liệu sắt thép tăng 38,8%.

a

Xét theo giá, so với cùng kỳ, giá nhập khẩu bình quân của một số mặt hàng tăng. Đáng chú ý, giá nhập khẩu quặng và khoáng sản tăng tới 65%, xăng dầu các loại tăng 6,3%, dầu thô tăng 3,3%, phân bón tăng 4%, đậu tương tăng 4,1%...

Trong khi đó, giá nhập khẩu bình quân của một số mặt hàng khác cũng sụt giảm như: hạt điều, lúa mỳ, ngô, chất dẻo nguyên liệu, giấy, bông, xơ, sợi dệt, thép, cao su...

Xét theo thị trường, nhập khẩu từ Châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất lên tới 79,82% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn là: Trung Quốc, ASEAM, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản...

a

Nguồn Khampha/Bộ Công thương


Sự kiện