Nhân sự trẻ ở VinAI.

 
Minh Ngọc Thứ Sáu | 22/10/2021 13:30

Nhân sự A.I chìa khóa cho Việt Nam

Việt Nam có cơ may vượt lên trong cuộc đua A.I nếu có đủ nhân lực ngành này.

Đang diễn ra cuộc đua vũ trang về trí tuệ nhân tạo (A.I) trên toàn cầu. Nếu chậm chân, Việt Nam có thể đối mặt với đối thủ lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cuộc đua A.I  

Theo Tiến sĩ Vũ Duy Thức, sáng lập OhmniLabs, nếu trước đây dân công nghệ hay nói với nhau phần mềm ăn hết cả thế giới, thì giờ A.I đang ăn hết cả thế giới. A.I là công nghệ sẽ bao phủ rất nhiều lĩnh vực sử dụng, từ điều khiển nhân vật trong trò chơi điện tử đến phát triển công nghệ cho ô tô tự lái. Nhiều công ty cần sử dụng các thuật toán A.I và máy học để tạo ra các sản phẩm thông minh hơn, cá nhân hóa hơn và trực quan hơn. Do đó, thế giới có cơ hội thay đổi như một cuộc cách mạng.

Hầu hết các dự báo đều chỉ ra A.I sẽ tăng trưởng chóng mặt và nhanh chóng tích hợp vào các quy trình kinh doanh. Một số dự báo còn cho rằng tổng giá trị gia tăng của thị trường A.I toàn cầu sẽ đạt 61,6 tỉ USD vào năm 2020 và lên tới 8.300 tỉ USD vào năm 2035. Vì thế, không khó hiểu khi đang có cuộc đua vũ trang về A.I trên toàn cầu, trong đó 3 tay chơi lớn thuộc về Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.

Theo ông Thức, Mỹ vẫn đang dẫn đầu về mạng lưới đổi mới sáng tạo trên thế giới. Trong khi với lợi thế về dữ liệu, Trung Quốc đang theo sát về ứng dụng A.I cho các ngành nghề của họ; còn châu Âu với quy định hơi phức tạp, dù đã có Anh và Pháp đi đầu, nhưng sẽ tụt lùi sau Mỹ và Trung Quốc.

“Nếu Trung Quốc đạt được những mục tiêu của họ thì đến năm 2030, họ sẽ là một trong những nước dẫn đầu A.I trên thế giới. Bản chất A.I không có biên giới, nên Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn từ sự phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm sáng để Việt Nam tham khảo có thể là Canada. Họ có chính sách xây dựng các trung tâm A.I rất mạnh mẽ”, ông Thức cho biết.

Nhằm mục tiêu đưa A.I trở thành công nghệ mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về A.I trong khu vực và trên thế giới, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đã được ban hành vào đầu năm nay. Động thái này được cho là “gói kích thích” với nguồn nhân lực A.I.

“Cơ hội này chỉ có khoảng 2-3 năm tới, sau đó các nước đang có chính sách về A.I sẽ đi rất xa. Nếu Việt Nam không tận dụng khoảng thời gian này thì sẽ bị thụt lùi. Đối thủ chính của Việt Nam sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ”, ông Thức cho hay. 

Điểm sáng cho Việt Nam

Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm A.I, nếu có 100.000 kỹ sư A.I, sẽ tạo ra 100 tỉ USD. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ông Thức, hiện Việt Nam có khoảng 400.000 kỹ sư, nhưng chỉ có 10% có nhu cầu học A.I. Vài năm qua, Việt Nam đã đào tạo hơn 600 kỹ sư A.I.

Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata), cũng cho rằng, mặc dù nhu cầu nhân lực A.I tăng cao trong vài năm gần đây, nhưng chỉ có khoảng 30% cử nhân IT tốt nghiệp có thể làm việc liên quan đến A.I, còn lại phải tiếp tục đào tạo mới có thể trở thành chuyên gia.

Thực tế, nguồn nhân lực đang được xem là 1 trong 3 rào cản chính mà Việt Nam cần vượt qua để thực hiện chuyển đổi số. Nhân lực trong ngành này đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn tổng hợp về phát triển phần mềm, lập trình, khoa học dữ liệu và kỹ thuật dữ liệu.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Tổng Giám đốc TopCV Việt Nam, một trong những nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mang tầm quốc tế là phải phát triển nguồn nhân lực công nghệ.

Dẫu vậy, bức tranh A.I của Việt Nam vẫn có một số điểm sáng đáng chú ý. Hơn 1 năm trước, giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới, VinAI Research (trực thuộc Công ty VinTech, Vingroup) đã công bố nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện khuôn mặt chính xác ngay cả khi sử dụng khẩu trang. Tuyên bố này giúp VinAI Research trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công công nghệ này. 

Theo Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu VinAI Research, đây không phải là dự án “ăn theo” COVID-19. VinAI Research cũng phải chạy đua với các đối thủ lớn nhất trên thế giới để nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thực tế với thời gian sớm nhất.

Cần nói thêm, tại thị trường Việt Nam, Tập đoàn CMC cũng đang phát triển A.I. Hay từ năm 2017, Tập đoàn FPT đã cho ra mắt nền tảng hội thoại bằng A.I và các nhà phát triển có thể tích hợp vào phần mềm hoặc thiết bị thông minh của họ. Đến năm 2018, nền tảng này đã tạo ra lượng hội thoại với thời gian tương đương 4,8 năm và có khả năng chuyển đổi 2,5 tỉ ký tự từ giọng nói. Tuy nhiên, chỉ khi VinAI được thành lập sau 1 năm, tên tuổi này đã có 2 nghiên cứu công bố tại Hội nghị số trí tuệ nhân tạo NeurIPS - Canada mới đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 trong khu vực có công trình được công bố tại sự kiện này.

Ảnh: TL
Ảnh: TL

Theo ông Hưng, VinAI ra đời một phần để Việt Nam không còn là "vùng trắng" A.I. VinAI đang phát triển tốt 3 mảng chính: nghiên cứu cơ bản về A.I; ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo tài năng trẻ về A.I cho Vingroup và Việt Nam. Riêng ở mảng đào tạo nhân tài trẻ cho A.I, hiện VinAI có khoảng 70 nghiên cứu, kỹ sư phần mềm, thực tập sinh. Trong đó, thông qua chương trình AI Residency Program, đã có khoảng 25 thực tập sinh, đóng góp nhất định vào công trình nghiên cứu của VinAI.

“Đội ngũ nhân sự của VinAI hiện ngang bằng mặt bằng chung của các phòng lab hàng đầu trên thế giới. Nhưng mục tiêu đặt ra rất lớn sẽ không làm được nếu thiếu con người giỏi”, ông Hưng chia sẻ.