Nhân dân tệ vào giỏ tiền quốc tế: Không đáng lo
Rốt cuộc, sau một thời gian chờ đợi, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) đã trở thành một trong 5 đồng tiền chủ chốt được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, trở thành một thành tố của Quyền rút vốn đặc biệt SDR (đơn vị tiền tệ qui ước của một số nước thành viên IMF) cùng với USD, EUR, JPY và GBP.
CNY trở thành một thành tố của Quyền rút vốn đặc biệt SDR cùng với USD, EUR, JPY và GBP |
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đây là kết quả tất yếu cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định vị thế nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đồng thời tạo cơ hội mới cho nước này trên tất cả các mặt, từ thương mại, đầu tư tới tài chính - ngân hàng, nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu...
Từ nay, CNY có vai trò tương xứng hơn với vị thế kinh tế - tài chính của Trung Quốc và chính sách tiền tệ của Trung Quốc có điều kiện vươn lên tác động tới các nền kinh tế khác. Trung Quốc sẽ không chỉ xâm nhập thị trường toàn cầu bằng hàng hóa của mình mà sẽ còn bằng chính đồng tiền của họ - CNY.
Rõ ràng, việc CNY được chính thức công nhận trở thành đồng tiền toàn cầu có ý nghĩa tích cực đối với kinh tế của Trung Quốc, tạo thêm động lực mới cho nền kinh tế này phục hồi tăng trưởng sau khi cỗ máy tăng trưởng đã chậm lại hẳn trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, câu hỏi lớn lúc này là, những thay đổi vừa nêu có tác động gì đến nền kinh tế, chính sách vĩ mô… của Việt Nam?
Dưới đây là một số ý kiến đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề trên:
TS. Phạm Sỹ Thành |
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VEPR)
Chủ yếu tác động về tâm lý
Việc CNY được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế tác động không lớn đối với hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam, căn cứ theo cấu trúc dự trữ ngoại tệ, cấu trúc nợ công và thị trường chứng khoán hiện tại.
Trên thực tế, việc CNY gia nhập SDR có thể tác động đến tâm lý của DN trong việc lựa chọn tiền tệ thanh toán. Với việc là đồng tiền thanh toán phổ biến nhất tại khu vực Đông Nam Á, sau khi gia nhập SDR thì CNY càng có thêm “tính chính danh” để trở thành đồng tiền thanh toán thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Điều này về cơ bản có lợi cho các DN vì sẽ giảm chi phí giao dịch. Hiện thanh toán bằng đồng CNY mới chỉ chiếm 2-4% tổng giá trị thương mại quốc tế của Việt Nam, trong khi quy mô thương mại giữa hai nước vào khoảng 60-65 tỷ USD/năm và còn tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, việc CNY gia nhập SDR không có nghĩa các NHTW trên thế giới sẽ mua vào CNY ngay lập tức. Thay vào đó, họ sẽ có thêm một lựa chọn cho rổ ngoại tệ dự trữ của mình. Mà điều này trên thực tế một số NHTW đã làm rồi. Tác động của việc CNY gia nhập SDR đối với cấu trúc hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu trong ngắn hạn không rõ nét. SDR được nắm giữ bởi các NHTW và trên thực tế SDR chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu. Nếu các nước không mua trái phiếu bằng đồng CNY, việc trở thành đồng tiền dự trữ hoàn toàn không có ý nghĩa.
Tỷ trọng dự trữ của các đồng tiền chủ chốt (nhóm Big-4) vẫn rất ổn định, với vị trí áp đảo của đồng USD. Hiện đồng USD vẫn chiếm trên 60% tỷ trọng dự trữ toàn cầu. Hiện các NHTW thế giới mới chỉ nắm giữ 600 tỷ tài sản bằng đồng CNY, tức chưa đầy 1% dự trữ toàn cầu, quá thấp so với mức 10% lẽ ra đã phải có được. Trong 5 năm nữa, tỷ trọng dự trữ đồng CNY có lẽ sẽ ở mức 4-5% ngang với JPY và GBP hiện nay.
Ngược lại, khi CNY gia nhập SDR, Trung Quốc sẽ đối diện với các tiêu chuẩn điều hành chính sách tiền tệ nghiêm ngặt hơn từ IMF và khó có thể can thiệp tỷ giá nhằm đem lại lợi ích cho xuất khẩu như trước. Việc gia nhập nhóm Big-5 cũng tạo ra nhiều ràng buộc đối với việc thực thi chính sách tiền tệ của NHTW Trung Quốc.
TS. Vũ Đình Ánh |
TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế
Mức tác động phụ thuộc quan hệ Việt - Trung
Chính sách tiền tệ của Việt Nam chắc chắn chịu ảnh hưởng từ việc CNY chính thức được công nhận là đồng tiền mạnh trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ và thời điểm tác động còn phụ thuộc vào sự phát triển quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và giữa Việt Nam với các nước khác nói chung.
Trước mắt, mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, song cán cân thương mại lại nghiêng quá nhiều về Trung Quốc với hàng chục tỷ USD thâm hụt/năm. Hơn nữa, các hợp đồng thương mại vẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tính bằng USD nên tác động tới chính sách tiền tệ lẫn chính sách tỷ giá hối đoái giữa VND và CNY là không đáng kể.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam chắc chắn phải điều chỉnh cho phù hợp với vị thế mới của CNY trên thị trường toàn cầu cũng như trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Việc CNY đang và sẽ trở thành đồng tiền thanh toán, đầu tư quan trọng trên thế giới. Cho dù còn xa mới đuổi kịp vai trò thống trị của USD, song nguồn vốn FDI và FII từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể tăng lên trong thời gian tới, trong đó có phần không nhỏ sử dụng CNY, nên chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng sẽ phải có những tiên liệu cho phù hợp với dòng tiền CNY đổ vào Việt Nam, cả chính thức và phi chính thức.
Bên cạnh đó, quan hệ tín dụng và vay nợ bằng CNY giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng cũng tác động không nhỏ tới chính sách tiền tệ của Việt Nam, chưa kể lượng du khách Trung Quốc đông đảo tới Việt Nam hàng năm có thể sẽ sử dụng CNY làm phương tiện thanh toán nhiều hơn...
Tóm lại, tác động của CNY tới chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ tăng lên một cách từ từ, nhưng không thể đảo ngược cùng với sự tăng khả năng tự do chuyển đổi của CNY trong những năm tới. Theo đó, NHNN cần có kế hoạch cụ thể đưa CNY vào dự trữ ngoại hối phù hợp với vị thế của CNY và quan hệ kinh tế - tài chính giữa hai nước.
Riêng với các DN đang và sẽ có quan hệ thương mại với Trung Quốc cần chấp nhận sử dụng CNY như một công cụ thanh toán và tích trữ quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả USD trong hiện tại; theo dõi sát và có phản ứng thích hợp trước những biến động của tỷ giá hối đoái giữa CNY với VND nói riêng, giữa CNY với các đồng tiền chủ chốt khác nói chung, đồng thời không bỏ qua những động thái trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc; sử dụng các công cụ quản lý rủi ro tỷ giá hối đoái đối với CNY.
TS.Trịnh Quang Anh |
TS.Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Maritime Bank
Việt Nam không chịu tác động trong ngắn hạn
Việc CNY của Trung Quốc được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, có hiệu lực từ ngày 1/10/2016, thời điểm mà IMF dự tính CNY sẽ chiếm tỷ trọng 10,92% trong giỏ SDR (USD là 41,73%, EUR 30,93%, JPY 8,33% và GBP 8,09%) khiến nhiều người đặt câu hỏi: Tác động của thay đổi này ra sao?
Bất chấp sự bất ổn của thị trường tài chính Trung Quốc cũng như sự yếu đi của nền kinh tế nước này, IMF vẫn quyết định chính thức đưa CNY vào giỏ SDR. Đây là quyết định khá bất ngờ và sớm hơn nhiều so với dự kiến của nhiều chuyên gia trước đó. IMF cho rằng, mức lãi suất cao của Trung Quốc có thể kéo theo lãi suất SDR cao hơn và giúp lãi suất cho vay của IMF tăng. Tuy nhiên, việc đưa CNY vào giỏ tiền dự trữ này chỉ là một động thái mang tính biểu tượng, ít tác động tức thì lên các thị trường tài chính.
Quyết định của IMF có khả năng làm gia tăng nhu cầu đối với đồng CNY hoặc các tài sản neo theo CNY, khi các NHTW và các nhà quản lý quỹ nước ngoài điều chỉnh danh mục đầu tư phản ánh vị thế mới của đồng tiền này. Nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng có thể CNY sẽ điều chỉnh giảm nhẹ so với USD, chủ yếu do yếu tố tâm lý.
Trong mối tương quan giữa CNY và VND, khi CNY mạnh lên tức USD lẫn VND đều suy yếu tương đối so với CNY. Và khi đồng CNY được sử dụng trong giao dịch quốc tế thì nguồn CNY mà Việt Nam có được do xuất khẩu sang Trung Quốc cũng có thể sẽ được Việt Nam sử dụng trong giao dịch quốc tế với các quốc gia khác.
Điều này phần nào làm giảm bớt áp lực ngoại tệ của Việt Nam. Lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam sẽ tăng lên khi đồng CNY cũng được tính vào dự trữ (một phần nhất định giá trị thanh toán hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được thực hiện bằng CNY và lượng này có thể được NHNN mua vào qua hệ thống NHTM để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước).
Như vậy, với việc VND yếu đi tương đối và dự trữ ngoại tệ tăng lên thì việc điều hành tỷ giá sẽ bớt áp lực, xuất khẩu Việt Nam có thể sẽ được cải thiện nhờ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Khả năng trong trung hạn đồng CNY sẽ được giao dịch linh hoạt hơn và sẽ tăng giá sau khi chính thức được đưa vào giỏ SDR do nhu cầu dự trữ đồng tiền này tăng lên, đồng thời các giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc khả năng sẽ được yêu cầu thanh toán bằng đồng CNY và làm cho nhu cầu CNY càng cao, đẩy giá trị CNY lên cao hơn.
Ông Dominic Scriven |
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital
Giảm rủi ro tỷ giá với USD
Việc Trung Quốc xác định theo đuổi tỷ giá tự do và có nhiều động thái cụ thể để thúc đẩy trong thời gian qua là tích cực. Cái Trung Quốc làm và hướng tới là tự do hóa chứ không phải là phá giá đồng tiền. Dĩ nhiên, khi tự do hóa thì thị trường có lên, có xuống. Và chắc chắn trước khi tự do hóa thì họ cũng đã tính đến khả năng biến động, nhưng điều này rất khác với việc chỉ hiểu là Trung Quốc phá giá. Điển hình là chúng ta thấy IMF vừa công bố chấp thuận đưa đồng CNY vào SDR, thì cái đó mới là một trong những mục tiêu chính của Trung Quốc.
Đồng CNY vào SDR và dần được quốc tế hóa cho phép chúng ta kinh doanh, thanh toán bằng CNY, thay vì phải dựa chủ yếu vào đồng đô la. Như vậy thì rủi ro về tỷ giá sẽ giảm bớt và chi phí giao dịch chắc cũng sẽ giảm đi.
Nguồn Thời Báo Ngân Hàng