Ảnh: Báo đấu thầu.
Nhà nước phải chi bao nhiêu tiền để mua lại 100 triệu cổ phần ACV?
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa dự thảo Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư quản lý.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét lộ trình mua lại cổ phần do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để ACV là doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.
Hiện tại, cổ phiếu đang lưu hành của ACV là 2,17 tỷ cổ phiếu, trong đó, nhà nước nắm giữ 95,4% (tương đương 2,07 tỷ cổ phiếu).
Như vậy, Nhà nước sẽ phải mua lại khoảng 100 triệu cổ phiếu với mức giá hiện tại là 79.000đ/cổ phiếu. Với mức giá này, nhà nước sẽ phải chi khoảng 8.000 tỷ đồng để nắm giữ 100% cổ phần ACV.
Biến động giá cổ phiếu ACV từ khi lên sàn Upcom. Ảnh: VnDirect |
Kể từ khi cổ phần hóa (4/2016), hoạt động kinh doanh của ACV có chiều hướng tăng trưởng rõ rệt về cả doanh thu và lợi nhuận. Năm 2018, doanh nghiệp lãi 6.148 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, ACV tiếp tục ghi nhận doanh thu 8.909 tỷ đồng, tăng 12%, lợi nhuận sau thuế tăng đạt 3.703 tỷ đồng, tăng 20%.
Động thái mới nhất đặt dấu hỏi về kế hoạch chuyển sàn (hiện ACV đang niêm yết trên UpCom) và thoái vốn nhà nước của công ty.
Trong một báo cáo hồi tháng 6, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC; HoSE: VCI) dẫn thông tin từ ACV cho biết, nhà nước nhiều khả năng sẽ duy trì quyền sở hữu tại các đường băng sân bay của Việt Nam và sẽ ủy quyền cho ACV quản lý các đường băng này. Tuy nhiên, hiện chưa có kế hoạch cụ thể về các tác động tài chính đến ACV, VCSC cho rằng ACV có thể thu được một số khoản phí quản lý trong phí cất/hạ cánh. ACV không kỳ vọng diễn biến bảo trì đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất (SGN) và Nội Bài (HAN) được thực hiện trong năm 2019, khi các quyết định liên quan đến sở hữu đường băng, cũng như trách nhiệm tài trợ vốn cho việc bảo trì, vẫn hiện đang chờ quyết định của Chính phủ.
Việc niêm yết trên sàn HOSE và bán cổ phần của Nhà nước bị trì hoãn cho đến khi vấn đề sở hữu đường băng được giải quyết. Cho đến khi ACV chuyển sàn niêm yết cổ phiếu, bộ GTVT có kế hoạch bán 20% cổ phần và thêm 10% trong năm tiếp theo, sẽ giữ lại phần cổ phần kiểm soát 65%. Ban lãnh đạo của ACV cho biết công ty sẽ ưu tiên bán cho nhà đầu tư (NĐT) tài chính thay vì NĐT chiến lược.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Giao thông, Nhà nước sẽ chưa mua lại ACV trước năm 2025.Trước mắt Bộ Giao thông vẫn kiến nghị giao ACV quản lý khu bay tại các cảng hàng không đến năm 2025 bằng hình thức thuê nhượng quyền lâu dài và việc mua lại cổ phần để ACV trở thành công ty 100% vốn Nhà nước chỉ là 1 trong những đề xuất của Bộ Giao thông vận tải tại đề án quản lý hạ tầng hàng không.
►Chen chân vào chuỗi giá trị hàng không