Nhà nước không kiểm soát được mua bán gạo tạm trữ
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Nhà nước đã không kiểm soát được việc mua bán lúa gạo của doanh nghiệp vì không có cơ chế giám sát việc mua tạm trữ và không có quy định giá sàn thu mua nên nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách thu mua này.
"Do đó không có cơ sở đánh giá mục tiêu bảo đảm cho người nông dân có lãi từ 30% trở lên như chính sách đề ra", báo cáo cho biết.
Ngoài ra, việc Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay để thu mua tạm trữ nhưng không có quy định phân tách rõ ràng giữa lượng mua tạm trữ theo yêu cầu của Nhà nước với lượng mua kinh doanh của doanh nghiệp nên các doanh nghiệp có thể lợi dụng để nhận hỗ trợ.
Hôm 14/5 vừa qua, tại buổi họp báo về tạm trữ lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chính sách mua tạm trữ lúa gạo trong vụ đông xuân vừa qua đã không đạt hiệu quả cao.
Về giá, giá thu mua lúa khô tại ruộng chỉ đạt 5.100-5.300 đồng/kg (lúa thường IR 50404), tức chỉ tăng so với thời điểm trước tạm trữ 100-200 đồng/kg. So với giá thành định hướng bình quân của Bộ Tài chính ban hành (3.616 đồng/kg), chênh lệch mức giá đạt 38-46%. Tuy vậy, phần chênh lệch này không phải hoàn toàn là người sản xuất lúa được hưởng.
Cũng theo báo cáo trên, để thực hiện đợt thu mua tạm trữ này, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay 7.612 tỷ đồng với lãi suất cho vay 10-10,5%/tháng. Với việc Nhà nước hỗ trợ ít nhất trên 200 tỷ đồng để phục vụ đợt tạm trữ 1 triệu tấn nhưng giá lúa chỉ tăng 100-200 đồng/kg, có nghĩa là phần hỗ trợ lãi suất trên của Nhà nước chỉ đủ, thậm chí hụt để bù đắp cho phần giá trị lúa gạo tăng thêm, không kích thích được giá lúa gạo tăng lên.
Nguồn Dân Việt