Ảnh: TL

 
Hải Vân Thứ Tư | 21/08/2019 15:05

Nhà nhập khẩu Mỹ trì hoãn mua hàng dệt may Việt

Thay vì hưởng lợi từ thương chiến, dệt may xuất khẩu của Việt Nam lại khó càng thêm khó.

Doanh nghiệp may Việt Nam đã có thuận lợi với một số đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng mùa hè này, việc các nhà nhập khẩu trì hoãn mua hàng của Việt Nam đang ngày một nhiều hơn. Mức thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1.9 có thể có những tác động khác biệt, khi thuế đánh vào các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày như giày dép, hàng may mặc, không phải nguyên liệu thô.

“Tất cả mọi người đều lo lắng”, ông Ron Dutta, Giám đốc nguồn cung châu Á của Garan Incorporated, một công ty bán lẻ sản phẩm may mặc, có trụ sở ở New York, Mỹ, gần như chắc chắn về sự ảnh hưởng trong tương lai đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tìm kiếm nguồn hàng rẻ hơn từ các nước khác, việc hầu hết các nhà nhập khẩu đang làm. Theo ông Ron, không có vấn đề gì liên quan tới chất lượng sản phẩm, hay thời gian giao hàng, nhưng việc giá của Việt Nam cao hơn khoảng 10% so với Trung Quốc là điều Garan Incorporated phải nghĩ đến. Dù tìm nguồn thay thế nhưng với Garan Incorporated, Trung Quốc vẫn là nguồn cung ứng lớn hàng dệt may cho hãng bán lẻ này, cũng như các nhà nhập khẩu khác. Bởi vì, Trung Quốc có quy mô sản xuất lớn, tập trung và chịu sự kiểm soát bởi Chính phủ. Việt Nam và Ấn Độ đang phát triển mạnh, nhưng quy mô sản xuất nhỏ đang làm cho chi phí cao hơn.

Nha nhap khau My tri hoan mua hang det may Viet
 

Bên cạnh đó, chính sách bất định của Mỹ và rủi ro các biện pháp bảo hộ leo thang, cả về phạm vi và mặt hàng, đang làm cho các nhà nhập khẩu trì hoãn mua hàng từ Việt Nam. Theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (Vcosa), không có đơn hàng mới từ Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc đã tung ra thị trường lượng bông dự trữ với số lượng lớn khiến giá bông giảm mạnh trong bối cảnh cạnh tranh về giá đang tăng lên cùng dấu hiệu phá giá để tránh tồn kho. Các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Đài Loan vẫn có đơn hàng, nhưng số lượng rất nhỏ và giá bán đang giảm xuống.

Tại Công ty Dệt may Thành Công (TCM), doanh thu từ vải và hàng may mặc lần lượt tăng 10,3% và 15,0% so với cùng kỳ năm trước, nhờ đó bù đắp cho sự sụt giảm 21% của mảng sợi, giúp doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 tăng nhẹ 7,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.770 tỉ đồng và hoàn thành 47,5% dự báo cả năm. Thế nhưng, chi phí nhân công cao hơn và giá bán sợi giảm khiến biên lợi nhuận gộp của Thành Công sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2019.

Nha nhap khau My tri hoan mua hang det may Viet
 

Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính giá bán sợi trung bình giảm 8% so với cùng kỳ năm trước dẫn đến biên lợi nhuận gộp mảng này giảm mạnh, từ 9% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 2% trong 6 tháng đầu năm 2019. VNDirect cho rằng thị trường sợi bông vẫn gặp khó khăn đến cuối năm, nên đã giảm 18,2% EPS dự phòng 2019 do biên lợi nhuận gộp giảm (từ 19% xuống 17,2%) để phản ánh giá bán sợi thấp hơn và chi phí nhân công tăng.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo theo sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam đã thúc đẩy cạnh tranh ở cả hai ngành dệt may và da giày. Eddie Chou, Giám đốc Công ty Giày Roll Sport Việt Nam, một công ty Trung Quốc có nhà máy ở Thanh Hóa, nói rằng sự ảnh hưởng của việc Mỹ áp thuế lên sản phẩm da giày Trung Quốc là có nhưng không quá nhiều. “Chúng tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng từ Mỹ và điều này đảm bảo đầu ra ổn định cho Roll Sport. Đơn hàng từ Mỹ của Roll Sport hiện nay cao hơn 2 năm trước”, ông Chou cho biết.

Roll Sport vào Việt Nam đã gần 10 năm và 100% sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ. Công ty này sử dụng 50% nguyên liệu ở Việt Nam và nhập khẩu từ Trung Quốc phần còn lại. Nhưng tình hình đang khó hơn, buộc Roll Sport phải gia tăng sử dụng nguyên liệu trong nước nhằm đảm bảo cạnh tranh được về giá. “Chúng tôi không hy vọng việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc giúp giá nguyên liệu đầu vào của Việt Nam giảm đi, vì Trung Quốc cũng sẽ có những cân đối lại”, ông Chou nhận định.

Nha nhap khau My tri hoan mua hang det may Viet
 

Chính sách bất định là nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng giảm chi tiêu tại Mỹ và điều này không hỗ trợ cho xuất khẩu của Việt Nam trong trung và dài hạn. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho rằng chính sự dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành giật lao động ngành may hiện nay. Ông Việt cũng cảnh báo thâm dụng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ có thể vượt mức 40 tỉ USD nếu phương thức làm ăn mới của các doanh nghiệp Trung Quốc được định hình tại Việt Nam.

Theo quan sát của ông Việt, có dấu hiệu doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng may mặc ở Trung Quốc, sau đó chuyển sang Việt Nam đóng gói và hoàn thiện. Hiện nay, sản phẩm may mặc từ Trung Quốc vào Mỹ áp thuế 20%, còn từ Việt Nam vào Mỹ áp thuế 17%. “Cách làm này không chỉ ảnh hưởng đến riêng lĩnh may mà còn cả ngành dệt may của Việt Nam cũng như các ngành khác nếu các ngành chức năng không kiểm soát chặt chẽ hơn”, ông Việt cảnh báo.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, bên cạnh mối lo đơn hàng, các doanh nghiệp còn đau đầu vì áp lực giá cả, chi phí đầu vào tăng, thiếu hụt lao động trong khi đơn giá không tăng. “Hai quý cuối năm vẫn tiếp tục khó chứ chưa có triển vọng. Trước mắt, quý III tương đối ổn định, đang chuẩn bị cho quý IV”, ông Hồng cho biết.

“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là lý do chính khiến khách hàng lo ngại về đơn hàng trong tương lai và trì hoãn mua nguyên vật liệu”, bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược Công ty Sợi Thế Kỷ, nhận định. Hiện Trung Quốc và Ấn Độ đang có lợi thế về giá xơ sợi do nhân dân tệ giảm giá mạnh và nước này tự sản xuất các chế phẩm dầu khí, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xơ sợi. Không thuận lợi bằng Trung Quốc, nhưng Ấn Độ cũng đang có lợi thế về đồng tiền được định giá thấp và có các sản phẩm hóa dầu.

Trước tình hình này, Sợi Thế Kỷ và nhiều doanh nghiệp dệt may đang chọn một hướng đi khác. Bà Chi cho biết, Sợi Thế Kỷ đang chuyển hướng sang các thị trường ngách để đảm bảo tăng trưởng. Hiện nay, 50% sản phẩm của Sợi Thế Kỷ được bán tại thị trường nội địa, 50% còn lại xuất đi Nhật, Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Pakistan và Mỹ. Muốn vậy, Sợi Thế Kỷ chắc chắn phải cân đong, đo đếm lại kế hoạch sản xuất, cố gắng duy trì hiệu suất hoạt động, gia tăng sản phẩm sợi tái chế từ vỏ chai nhựa, mảng sản phẩm có tăng trưởng tốt, góp phần vào tăng trưởng chung của Công ty.

Xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 7

Cửa mở cho nhập khẩu dược phẩm