Thứ Ba | 07/08/2012 14:33

Nhà máy Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang vẫn chưa có người mua

Nguyên nhân lớn nhất theo chủ đầu tư dự án là do đầu ra sản phẩm xi măng được dự báo là sẽ rất khó tiêu thụ.
Sau gần 1 năm công khai rao bán dự án Nhà máy Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang đang được triển khai dở dang, chủ đầu tư là Công ty Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ (CCM) xác nhận, vẫn chưa tìm được người mua.

Ông Thái Minh Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CCM cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến dự án này khó bán là do đầu ra (sản phẩm xi măng) được dự báo sẽ rất khó khăn, khi trên thị trường cả nước, cung xi măng đang có xu hướng vượt cầu.

Ngoài ra, dù được hoàn thành tới 2/3 khối lượng công việc xây dựng, nhưng hiện dự án phải tạm dừng lại, bởi khi cấp phép xây dựng dự án này, UBND tỉnh Hậu Giang chưa có công văn xin phép Bộ Xây dựng.

Ông Thuyết cũng cho biết UBND tỉnh đã nhận trách nhiệm và sẽ có công văn xin phép Bộ Xây dựng để dự án có thể triển khai tiếp. Ông Thuyết khẳng định, sơ sót này hoàn toàn không ảnh hưởng gì cho chủ đầu tư mới tiếp quản lại dự án, bởi dự án này nằm trong Quy hoạch Phát triển xi măng Việt Nam từ năm 2011 - 2020.

Để tránh lãng phí cho khoản tiền 70 tỷ đồng đã đổ vào xây dựng hạ tầng, nhà xưởng dự án, CCM tạm đưa một số hạng mục của dự án vào vận hành, sản xuất các loại sản phẩm khác, như gạch bê tông nhẹ, gạch lát vỉa hè, bê tông tươi… để bán ra thị trường, lấy vốn quay vòng sản xuất và trang trải chi phí cho cả bộ máy.

Theo đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), dự án Nhà máy Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang không phải là dự án xi măng đầu tiên gặp khó khăn trong việc rao bán lại, mà còn có tới  5 - 6 dự án nhà máy xi măng khác cũng đang muốn bán lại, do gặp khó khăn về tài chính.

Vào cuối năm 2011, Dự án Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) phải đóng cửa và đem ra chào bán, hiện vẫn chưa có khách hàng nào đăng ký mua.

Dự án nhà máy Xi măng Cần Thơ được CCM khởi công xây dựng vào tháng 9/2010, tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng.

Tại thời điểm rao bán (tháng 10/2011), dự án đã hoàn thành hầu hết các hạng mục xây dựng, như xưởng cơ khí, kho chứa clinker, bến cảng… và chờ lắp đặt thiết bị, dây chuyền sản xuất.

Theo dự kiến ban đầu, dự án có công suất thiết kế 700.000 tấn/năm, nhưng do gặp khó khăn về vốn và thị trường đầu ra thu hẹp, nên sau một thời gian xây dựng, CCM đã điều chỉnh giảm công suất thiết kế xuống còn 200.000 tấn/năm. Vì thế, tổng vốn đầu tư của dự án cũng được điều chỉnh giảm, xuống chỉ còn dưới 100 tỷ đồng.

Hồ sơ chào bán dự án đã được CCM được gửi cho một tập đoàn của Mỹ, với giá chào bán 80 tỷ đồng.

Holdings Business Group, một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng cũng đặt vấn đề với CCM xem xét mua lại dự án nhưng không thành.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện