Ảnh: Hòa Phát
Nhà máy Dung Quất thay đổi cuộc chơi ngành thép?
Theo nhận định của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), Dung Quất sẽ thay đổi thị trường thép dài trong nước. Giai đoạn đầu của Dung Quất sẽ làm tăng gấp đôi công suất thép dài của Hòa Phát (HoSE: HPG) lên mức 4,35 triệu tấn mỗi năm. Theo đó, Hòa Phát sẽ giành thị phần quyết liệt khi dự án này đi vào vận hành.
Thép dài: Dung Quất thay đổi cuộc chơi
KIS ước tính tăng trưởng tiêu thụ thép dài của Việt Nam sẽ giảm xuống chỉ còn 5,5% trong năm 2019. Sự tiêu thụ yếu hơn đến từ cả thị trường xuất khẩu và trong nước.
Đối với thị trường xuất khẩu, mặc dù Campuchia tăng trưởng mạnh, thị trường Hàn Quốc và Thái Lan sụt giảm nhu cầu giảm làm cho tổng xuất khẩu chỉ tăng 6,5% trong 10 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, con số này của năm 2017 là hơn 34%.
Đối với thị trường nội địa chiếm 90% tổng nhu cầu, chính quyền địa phương ở một số thành phố cấp 1 đã tiến hành kiểm tra lại quy trình phê duyệt của nhiều dự án bất động sản và khiến tiêu thụ thép bị chậm lại. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Savills ước tính nguồn cung căn hộ giảm 9% trong năm 2019 so với năm trước. Mặc dù tình trạng này có thể duy trì đến cuối năm 2020, KIS cho rằng một số nhà phát triển đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới ở các thành phố cấp 2, sẽ thúc đẩy nhu cầu thép.
Do đó, KIS ước tính tăng trưởng tiêu thụ thép dài sẽ ổn định ở mức 5,5% vào năm 2020.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán này, việc gia tăng sản lượng khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động sẽ tạo ra một cuộc chiến ngắn hạn để giành thị phần.
Dung Quất giúp Hòa Phát cạnh tranh mạnh mẽ thị phần
Giai đoạn đầu tiên của dự án Dung Quất, dự kiến hoạt động hoàn toàn từ đầu năm 2020, tăng gấp đôi công suất thép dài của Hòa Phát lên 4,35 triệu tấn mỗi năm. Với nhu cầu thị trường, công suất tăng thêm tương đương với 18% tổng mức tiêu thụ của thị trường, gây ra tình trạng dư cung ngắn hạn.
KIS nhận định sẽ có một cuộc chiến ngắn hạn để giành thị phần, làm tổn hại lợi nhuận của các nhà sản xuất địa phương. Từ đầu năm 2019 đến nay, giá thép của Hòa Phát giảm 10,8%, nhanh hơn các công ty cùng ngành khác như Pomina và VinaKyoei.
Theo ước tính của KIS, Hòa Phát sẽ cung cấp 3,88 triệu tấn thép vào năm 2020, dẫn đến thị phần đạt 35%.
Không chỉ dừng lại với thép dài, khi dự án tôn mạ Hưng Yên đi vào hoạt động và giai đoạn 2 của Dung Quất với sản phẩm HRC, Hòa Phát cũng tạo ra "cuộc chơi" tương tự với thép dẹt.
Cuộc chơi tương tự đối với thép dẹt
KIS ước tính sự sụt giảm nghiêm trọng thép xuất khẩu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thừa cung nội địa. Với việc Hòa Phát sẽ chính thức tham gia thị trường thép dẹt với nhà máy tôn mạ Hưng Yên và giai đoạn 2 Dung Quất với sản phẩm HRC, sẽ khiến cho việc định hình lại thị trường thép dẹt càng cần chú ý hơn.
Năm 2020, Hòa Phát sẽ chính thức tham gia thị trường thép tấm bằng cách đưa nhà máy tôn mạ tại tỉnh Hưng Yên vào hoạt động, làm trầm trọng thêm tình hình dư cung hiện nay.
Công suất thiết kế của nhà máy này là 400.000 tấn, tương đương 10% lượng tiêu thụ thị trường. Hòa Phát nhiều khả năng sẽ theo đuổi mục tiêu thị phần thay vì mục tiêu lợi nhuận cho dự án tôn mạ Hưng Yên như cách họ lên kế hoạch cho dự án thép dài Dung Quất.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Hòa Phát là Tập đoàn Hoa Sen, một trong số ít các nhà sản xuất tôn mạ có nhà máy ở miền Bắc. Lợi thế chính của Hòa Phát sẽ chỉ xuất hiện khi giai đoạn thứ hai của dự án Dung Quất hoàn thành trong nửa cuối 2020, có khả năng 2 triệu tấn HRC mỗi năm và hoàn thành chuỗi giá trị đầy đủ của phân khúc thép dẹt.
Như vậy, có thể thấy Dung Quất đi vào hoạt động được đánh giá sẽ tạo ra cuộc chiến quyết liệt hơn để giành thị phần, cùng với đó là góp phần tạo ra "những cuộc chơi" về thép dài và thép dẹt.
►Thị trường thép suy giảm, các ông lớn kinh doanh ra sao trong quý III/2019?