Nhà máy đầu tiên của doanh nghiệp Việt trên đất Mỹ sắp hoạt động
Năm 2013, tiểu bang Arkansas (Mỹ) thông báo có một công ty Việt Nam đã chọn vùng Morrilton để mở nhà máy sản xuất đầu tiên tại Mỹ. Ba năm sau, kế hoạch này chuẩn bị trở thành hiện thực.
CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, một nhà sản xuất sản phẩm dệt và đồ gỗ có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Long, từng hứa sẽ đầu tư 5 triệu USD vào khu đất vốn trước đây là nhà máy của Bosch.
Ban đầu, doanh nghiệp này dự định sẽ đi vào sản xuất từ năm 2014, song kế hoạch đã kéo dài hơn dự kiến. Vốn đầu tư cũng tăng lên 15 triệu USD. Khu đất hơn 18.500 m2 đã được cải tạo lại và đang được chuyển các thiết bị sản xuất mới vào.
Vĩnh Long đang tuyển dụng 11 lao động và dự định sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm vào mùa hè này với 25 người. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, chủ doanh nghiệp, cũng đã mua một căn nhà trong khu vực này.
"Họ chắc chắn sẽ quyết đưa nhà máy vào vận hành", Jerry Smith, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Morrilton cho biết. "Bà chủ của doanh nghiệp này rất gắn bó với dự án và khá tự tin về nó. Tôi đánh giá cao sự lạc quan của bà đối với Morrilton và nền kinh tế ở đây", ông nói.
Các thành viên trong gia đình bà Hạnh đang sống ở Maumelle, cách Morrilton không xa. Họ đã quyết định chọn Arkansas vì nhịp sống chậm và khả năng tiếp cận nguồn gỗ cần thiết cho đồ nội thất dễ dàng hơn, ông Lê Thái Tính, Giám đốc kinh doanh công ty Vĩnh Long, cho biết. Cho đến nay, ông đã có khoảng 20 lần đi về giữa hai nước để điều phối việc thiết lập hoạt động tại Mỹ của doanh nghiệp này.
"Đây không đơn thuần chỉ là kinh doanh hay kiếm tiền. Một phần của kế hoạch này là tạo dựng một điều gì đó cho cộng đồng", ông nói.
Trong số 11 nhân viên của Morrilton, có ba người từng làm việc tại nhà máy cũ của hãng Bosch. Khi Bosch chuyển đến Mexico vào cuối năm 2012, 140 người đã mất việc. Vĩnh Long đã làm việc với Đại học Cộng đồng Arkansas tại Morrilton để phối hợp tổ chức việc thực tập, tuyển dụng và các chương trình đào tạo liên tục cho nhân viên.
Robert Keeton, giám đốc bộ phận nghiên cứu kỹ thuật tại đại học này, cho biết: "Tôi nghĩ rằng điều mà Vĩnh Long mang lại là sự ý thức về công nghệ cao. Mọi thứ họ đang làm sẽ được tự động hóa. Họ đem đến một số thiết bị tối tân nhất. Một khi chúng đi vào hoạt động, tôi nghĩ họ sẽ là một nhà tuyển dụng khá quan trọng ở hạt Conway".
Nói về khoảng thời gian dự án bị trì hoãn, ông Smith cho rằng họ mất nhiều thời gian để thích ứng với cách làm việc tại Mỹ. Còn theo ông Tính, có sự khác biệt lớn giữa việc kinh doanh tại Việt Nam và Mỹ. Ông lưu ý về việc đã có một số hiểu lầm xảy ra với nhà thầu trong việc cải tạo lại nhà máy.
"Cách làm việc với nhà thầu ở đây rất khác. Tại Việt Nam, họ báo giá ngay từ đầu, và đó là những gì bạn sẽ phải trả. Nhưng ở Mỹ, chi phí có thể tăng hoặc giảm so với mức giá ban đầu", ông nói.
Hoạt động sản xuất đồ nội thất ở Morrilton là một bước ngoặt mới của Vĩnh Long. Cho đến nay, công ty này chủ yếu sản xuất đồ dệt tại nhà máy có 700 lao động và 10.000 thợ dệt ở Việt Nam. Có 90% đơn hàng của công ty đến từ chuỗi cửa hàng đồ nội thất khổng lồ Ikea của Thụy Điển.
Bà Hạnh đã quyết định mở rộng kinh doanh vào ngành gỗ nội thất bằng việc thành lập 1 xưởng ở Việt Nam và 1 xưởng Mỹ, với quyết tâm sẵn sàng học hỏi mọi thử từ đầu. Công ty Vĩnh Long đã thuê một hãng tư vấn của Đức để biết xem nên mua máy móc nào và bố trí nhà xưởng ra sao.
Smith cho rằng Vĩnh Long đang thực hiện mọi thứ rất tốt, và nếu có ai hỏi rằng liệu dự án có thành hiện thực hay không, ông sẽ nói rằng "họ đã chi rất nhiều tiền nên sẽ không dừng lại".
"Thật tốt khi mọi thứ cuối cùng cũng gần hoàn tất. Trong 6 tháng đầu tiên, chúng tôi chỉ có dọn dẹp, sơn sửa và chuẩn bị này kia. Và tất cả máy móc đang bắt đầu dồn dập được nhập về", Daniel Evans, quản lý công nghệ thông tin và cũng là nhân viên thứ ba của Vĩnh Long Arkansas nói.
Mike Preston, giám đốc điều hành Ủy ban Phát triển Kinh tế Arkansas, đồng ý rằng bất kỳ đất nước nào cũng có nhiều điều cần phải học hỏi khi bắt đầu kinh doanh ở một nước khác. "Phải mất một thời gian mới hiểu được phong tục và truyền thống của chúng tôi. Mỗi nước lại có mỗi sự khác biệt riêng, và Mỹ cách xa Việt Nam tới nửa vòng trái đất", ông nói.
Preston cho rằng các công ty Việt Nam "đang chuẩn bị cất cánh" và có "đầy tiềm năng" trong đầu tư toàn cầu. Ông cho biết hai văn phòng của ủy ban này tại châu Á sẽ giúp tạo mối quan hệ với phần còn lại của thế giới.
Vĩnh Long được hứa hẹn sẽ nhận được gói ưu đãi từ phía tiểu bang nếu họ có thể mở rộng biên chế lên 75 người.
Năm 2015, thống đốc bang Arkansas là Asa Hutchinson đã ký biên bản ghi nhớ với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nhằm mong muốn tiếp tục mở rộng mối quan hệ giữa tiểu bang và tỉnh này. Tập đoàn Tín Nghĩa, một doanh nghiệp lớn của Việt Nam ở tỉnh Đồng Nai, cũng đã mở một văn phòng thương mại ở Arkansas vào thời điểm đó.
Công ty Vĩnh Long đã xuất khẩu được 35 triệu USD vào năm ngoái và có tham vọng đạt mốc 100 triệu USD năm 2020. Công ty này hy vọng sẽ nhanh chóng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh thông qua các cơ hội khác tại thị trường Mỹ. "Đây là tương lai của chúng tôi", ông Tính nói khi chỉ tay tới nhà máy ở Arkansas.
Trường Văn
Nguồn Arkansas Online