Theo đánh giá, các công ty viễn thông tại Việt Nam đang có cơ hội để chuyển đổi chiến lược mạnh mẽ sang TMT.
Nhà mạng thêm tiền từ số
Viettel vừa bất ngờ công bố tái định vị thương hiệu trong đó không còn chữ “Nói” trong slogan quen thuộc “Nói theo cách của bạn”. Trong khi giới chuyên gia thương hiệu còn bàn tán về sự thay đổi từ xanh sang đỏ, lãnh đạo Viettel giải thích đây chỉ là bước chuyển cuối cùng trong chiến lược chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang một nhà cung cấp dịch vụ số được khởi động từ năm 2018.
Bước chuyển rốt ráo
“Về bản chất, Viettel đã thực sự chuyển đổi xong từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thành nhà cung cấp dịch vụ số. Với việc tái định vị thương hiệu và ra mắt nhận diện thương hiệu mới, Viettel muốn thể hiện sự thay đổi sâu sắc để thực sự là một nhà cung cấp dịch vụ số tiên phong và chủ lực”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết.
Bước chuyển mình rốt ráo của Viettel diễn ra trong bối cảnh thị trường viễn thông ngày càng khó khăn, nhất là khi bị chèn ép bởi dịch vụ OTT xuyên biên giới của Facebook, Google, Viber. Mặt khác, thị trường thuê bao di động của Việt Nam đã ở mức bão hòa với số thuê bao di động đang hoạt động tại thời điểm cuối tháng 10.2020 là 129 triệu thuê bao.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 doanh thu dịch vụ viễn thông chỉ tăng khoảng 0,3% so với năm 2019. Trong đó, Viettel đạt tổng doanh thu hơn 263.000 tỉ đồng, tăng 4,1% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế hơn 42.000 tỉ đồng. VNPT ghi nhận tổng doanh thu hơn 162.700 tỉ đồng, đạt 95% kế hoạch, lợi nhuận 7.100 tỉ đồng. Còn doanh thu MobiFone ước đạt gần 30.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ trên 4.600 tỉ đồng.
Dễ nhận thấy, năm 2020 tiếp tục chứng kiến đà suy giảm của thoại và SMS trong cơ cấu doanh thu viễn thông. Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), doanh thu dịch vụ di động hiện vẫn dựa chủ yếu vào các loại hình dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS, đang chiếm hơn 54%, trong khi những dịch vụ này đã bão hòa. Thậm chí, xu thế giảm doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống của Việt Nam đi nhanh hơn so với thế giới.
Đây là hệ quả của một loạt yếu tố như thuê bao di động bão hòa, giá cước liên tục giảm để cạnh tranh giữa các nhà mạng, sự phổ biến của dịch vụ gọi điện, nhắn tin trên OTT. Đáng chú ý, từ năm 2018 thị trường viễn thông đã chứng kiến một cuộc giảm giá data “tới đáy”, khiến lưu lượng data luôn tăng gấp đôi, gấp 3, nhưng doanh thu data của các nhà mạng chỉ tăng từ 10-20%.
Cơ hội trên nền tảng số
Xu hướng này buộc các nhà mạng như Viettel, MobiFone trong những năm gần đây chuyển hướng cung cấp hạ tầng và dịch vụ số như dịch vụ số, hạ tầng cáp quang, thanh toán số, kinh doanh các dịch vụ cloud... Đối tác có lợi thế như VNPT thì triển khai một loạt sản phẩm cho khối khách hàng chính phủ và cơ quan nhà nước như cổng dịch vụ công quốc gia và các giải pháp, sản phẩm cho ngành giáo dục, y tế, thành phố thông minh, du lịch thông minh...
Ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, giải thích, năm 2020 Viettel vẫn cán đích và tăng trưởng nhẹ là nhờ các thị trường viễn thông nước ngoài hoạt động ổn định, tỉ giá có lợi nên dòng tiền chuyển về Việt Nam vượt mức kế hoạch, đạt hơn 330 triệu USD. “Các dịch vụ truyền thống giảm 7-10%, đặc biệt là SMS suy giảm mạnh, dịch vụ giá trị gia tăng khá ổn định, dịch vụ data tăng khoảng 20%. Đặc biệt là thuê bao, doanh thu của băng rộng cố định và di động tăng trưởng mạnh. 2021 là năm các dịch vụ viễn thông truyền thống sẽ tiếp tục giảm. Đây là xu hướng chung của thế giới”, ông Phương cho biết.
Còn ông Phạm Đức Long, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết, năm 2020 doanh thu data của VNPT tăng trưởng 18,9%, tỉ trọng doanh thu data trong tổng doanh thu di động tăng từ 28,3% năm 2019 lên 35,2% năm 2020. Đặc biệt là doanh thu băng rộng tăng trưởng 5,5%, thuê bao tăng 39%.
Trong khi đó, năm đầu tiên Vietnamobile hoàn thành 100% kế hoạch khi đạt doanh thu khoảng 1.940 tỉ đồng, tăng 67% so với năm 2019, lợi nhuận ước tính cả năm đạt 2,5 triệu USD. Thành công này nhờ Vietnamobile chuyển đổi sang “mạng di động dữ liệu” với doanh thu từ dịch vụ dữ liệu đóng góp 35% vào tổng doanh thu, tăng gấp đôi so với năm 2019.
Khi miếng bánh thị phần thuê bao di động đã được định hình, cơ hội để những đơn vị mới tham gia vào sân chơi này là rất khó khăn. Đồng thời, khi số thuê bao di động mới ngừng gia tăng, việc tối đa hóa giá trị gia tăng trên các thuê bao là mục tiêu để các nhà mạng có thể đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Trong những năm trở lại đây, các công ty viễn thông đã mở rộng danh mục dịch vụ tận dụng các cơ hội tăng trưởng trong công nghệ, truyền thông và viễn thông (technology, media and telecommunications - TMT) trên các lĩnh vực như đám mây doanh nghiệp, TV và IoT (internet vạn vật). Trong khi đó, việc phổ cập nhanh chóng smartphone đang thúc đẩy sự tăng trưởng trong các lĩnh vực như quảng cáo trên thiết bị di động và các gói dịch vụ kết hợp mới bao gồm dịch vụ cố định, di động và TV...
Tăng trưởng của ngành viễn thông trong năm 2020 chỉ đạt 0,3%, dù trước đó đã nhiều năm phát triển rất mạnh. Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin như Viettel, VNPT, MobiFone càng phải đi tiên phong về chuyển đổi số. “Đây không chỉ là cơ hội, mà còn là sự thúc ép. Nếu không thay đổi thì sẽ rất nguy hiểm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo ngành viễn thông.
Theo đánh giá, các công ty viễn thông tại Việt Nam đang có cơ hội để chuyển đổi chiến lược mạnh mẽ sang TMT. Đặc biệt, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và smartphone là một trong những mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025. Hiện tại, số thuê bao có sử dụng dữ liệu vào khoảng 70 triệu thuê bao và tốc độ tăng trưởng ngày càng mạnh trong những năm gần đây. Gần nhất là việc triển khai công nghệ viễn thông 5G đang chuẩn bị được đưa vào thương mại hóa với mức đầu tư có thể lên tới 2,5 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2025. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thúc đẩy chương trình chuyển đổi máy 2G/3G lên máy smartphone 4G/5G, sản xuất máy 4G, 5G giá rẻ..