Thứ Năm | 30/10/2014 09:42

Nhà đầu tư vẫn đứng ngoài các quỹ mở

Báo cáo quý III vừa công bố của những quỹ mở lớn trên thị trường cho thấy nhà đầu tư vẫn tiếp tục thờ ơ với loại hình đầu tư mới này.
80-100% là các nhà đầu tư lớn

Một số ít nhà đầu tư lớn tiếp tục là trụ cột cho các quỹ mở sau khi đi vào vận hành nhiều tháng, khi mà các nhà đầu tư mới vẫn chưa bị thuyết phục để tham gia cuộc chơi. Tính đến 30/9/2014, tại quỹ ENF của Eastspring Investments, 10 nhà đầu tư lớn nhất nắm giữ đến 98% tổng tài sản của Quỹ. Trong khi đó công ty quản lý quỹ và người có liên quan nắm đến 80%.

Tại quỹ cân bằng VCBF-TBF của Vietcombank Fund, tỷ lệ nắm giữ 10 nhà đầu tư lớn nhất là 84% và lượng nắm giữ của công ty quản lý quỹ và người có liên quan là 76% tính đến cuối quý III. Tình trạng tương tự diễn ra tại quỹ mở thứ hai mới hoạt động của Vietcombank Fund là VCBF-BCF với 91% tổng tài sản do 10 nhà đầu tư lớn nhất nắm giữ và 75% là do công ty quản lý quỹ và người liên quan sở hữu.

Tại chuỗi quỹ mở của VFM, các nhà đầu tư lớn cũng chiếm phần tài sản hơn 4/5 mỗi quỹ. Điển hình nhất tại quỹ trái phiếu VFB, 99,8% tổng tài sản của Quỹ do 10 nhà đầu tư lớn nhất sở hữu. Ngay cả tại những quỹ lâu đời chuyển từ quỹ đóng như VF1 hay VF4 - những quỹ có số nhà đầu tư lên tới vài ngàn - tỷ lệ nắm giữ của 10 nhà đầu tư lớn nhất vẫn chiếm khá cao, lần lượt là 83% và 86%.

Những quỹ đầu tư này, mặc dù mục tiêu lâu dài là hướng tới nhà đầu tư nội, hiện vẫn đang được quan tâm chủ yếu bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại các quỹ ENF, VF1 hay VF4 đều cao hơn 70% tổng tài sản.

Những quỹ đầu tư mở mới khai trương tất nhiên cũng khó thoát khỏi sự thờ ơ nói chung của nhà đầu tư. Quỹ đầu tư chỉ số mới hoạt động của VFMVN30 có quy mô trên 200 tỷ đồng chỉ do 9 nhà đầu tư - bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức - nắm giữ, trong đó tỷ lệ nắm giữ của công ty quản lý quỹ và người có liên quan là 26%.

Một số quỹ mở khác của VinaWealth, MBCapital, BaovietFund và quản lý quỹ Bản Việt chưa công bố báo cáo quý III của các quỹ trên website.

Rút ròng tiếp diễn
Số lượng nhà đầu tư tại mỗi quỹ là khá khác biệt, tuy nhiên xu hướng chung là hầu như không tăng lên. Các quỹ của hai công ty có đối tác ngoại Vietcombank Fund và Eastspring Investments có số lượng nhà đầu tư khá cao so với các quỹ mở mới khác, đạt khoảng 200 - 300 mỗi quỹ, nhưng con số này không có thay đổi gì đáng kể so với quý trước. Quỹ trái phiếu VFB của VFM thậm chí vẫn chỉ có 17 nhà đầu tư. Những quỹ có số nhà đầu tư "khủng" như VF4 cũng chứng kiến lượng nhà đầu tư giảm nhẹ xuống 1.436 người.

Trong khi đó, nhà đầu tư tiếp tục rút nhẹ ròng tiền ra khỏi các quỹ. Quỹ đầu tư năng động ENF của Eastspring Investment có số rút ròng là 16,7 triệu đồng, trong khi VCBF-TBF bị rút 1,6 tỷ đồng. VFB của VFM thậm chí không ghi nhận giao dịch trong quý III, với tổng quy mô vẫn giữ nguyên 72 tỷ đồng, theo báo cáo quý III của Quỹ.

Điểm sáng trong tình cảnh ảm đạm của thị trường không phải là không có. Thực ra, lượng tiền rút ròng tại một số quỹ của VFM đã giảm dần. Số vốn huy động thêm của VF1 đã tăng vọt từ một vài trăm triệu đồng của quý trước lên gần 13 tỷ đồng trong quý III, trong khi số tiền bị rút ra giảm từ 37 tỷ đồng của quý II xuống còn hơn 17 tỷ đồng trong quý III. Hay quỹ VF4 của công ty cũng chứng kiến số tiền rút giảm đáng kể xuống dưới 8 tỷ đồng, giảm mạnh so với lượng rút 32 tỷ đồng của quý trước đó.

Bất chấp khó khăn này, những quỹ đầu tư mới vẫn liên tiếp ra đời trong thời điểm cuối năm, do các công ty quản lý quỹ vẫn phải không ngừng tìm kiếm doanh thu. Những quỹ đầu tư có tiềm năng tài chính lớn và kỳ vọng về lợi ích dài hạn có có lịch sử hoạt động tốt sẽ dễ chào bán tới nhà đầu tư khi thị trường của ngành quản lý quỹ khôi phục trở lại.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Sự kiện