Nhà đầu tư tố FPTS tự đặt lệnh trên tài khoản của khách
ĐTCK vừa nhận được đơn thư của NĐT Tống Ngọc Quang và Tống Thị Mai Hương, khách hàng mở tài khoản tại FPTS. Theo đơn thư, nhân viên môi giới Bùi Minh Hải của FPTS đã thuyết phục họ cung cấp mật khẩu (password) tài khoản để đặt lệnh mua bán trên tài khoản chứng khoán của khách hàng.
Cụ thể, theo bà Hương, trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 11/2014, Bùi Minh Hải đã tự ý đặt lệnh, tự ý sử dụng “full margin” (giao dịch ký quỹ chứng khoán) hết tài khoản của bà Hương.
Ngày 11/12/2014, tài khoản của bà Hương có số dư 100 triệu đồng tiền mặt và 11.600 cổ phiếu PVB. Do giá cổ phiếu PVB liên tục giảm, xuống tới mức xử lý (margin call), FPTS đã thực hiện lệnh bán tự động toàn bộ số cổ phiếu PVB để khấu trừ tiền hụt trên tài khoản margin. NĐT bức xúc, tại sao trong tài khoản của họ còn tiền mặt, Công ty không khấu trừ tiền hụt margin hoặc bán một phần cổ phiếu PVB, mà lại bán toàn bộ số cổ phiếu trong tài khoản margin? Việc này khiến họ “cháy” tài khoản và lỗ gần 300 triệu đồng.
Trao đổi với ĐTCK, bà Hương đã cung cấp các ảnh chụp màn hình đối thoại giữa bà và môi giới Hải qua Internet. Những dữ liệu này cho thấy, bà Hương đưa mật khẩu tài khoản cho Hải để Hải thao tác hộ qua Internet. Trước khi mua/bán chứng khoán, Hải đều trao đổi và thông báo với bà Hương. Tuy nhiên, Hải đã không nói rõ, cũng như tư vấn cụ thể về các điều khoản trong hợp đồng giao dịch ký quỹ, cách thức xử lý khi tài khoản bị hụt tiền…
Trước phản ánh của khách hàng, ĐTCK đã liên hệ với FPTS để làm rõ. Thứ nhất, có hay không việc nhân viên môi giới của Công ty chủ động đặt lệnh cho khách hàng? FPTS cho biết, các lệnh đặt mua/bán chứng khoán của khách hàng đều được đặt qua Internet và hoàn toàn hợp lệ (đúng paswords tài khoản và giao dịch - PV). Trong các cuộc làm việc với Công ty, Bùi Minh Hải khẳng định, việc mua, bán các cổ phiếu (trừ lệnh bán xử lý tự động của FPTS) đều do khách hàng tự quyết định, trên cơ sở tham khảo ý kiến tư vấn của nhân viên này. Sau khi lệnh mua/bán khớp, hệ thống của FPTS tự động gửi tin nhắn thông báo kết quả giao dịch tới khách hàng, vì thế NĐT không thể không biết tài khoản của mình phát sinh giao dịch và không thể kết luận rằng, môi giới Hải đã tự ý giao dịch trên tài khoản của khách hàng.
Về việc xử lý các món vay ký quỹ của khách hàng, FPTS cho biết, Công ty tuân thủ hợp đồng giao dịch ký quỹ mà khách hàng đã ký kết với FPTS và các quy định hiện tại của FPTS được thiết lập trên cơ sở quy định về giao dịch ký quỹ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong hợp đồng giao dịch ký quỹ của FPTS có quy định về trao đổi thông tin chứng từ như sau: “Hai bên công nhận rằng, mọi trao đổi giữa hai bên về các vấn đề liên quan đến hợp đồng này thực hiện thông qua địa chỉ email mà khách hàng đăng ký chính thức với FPTS. Khách hàng có nghĩa vụ kiểm tra thường xuyên các món vay, tỷ lệ vay hiện tại, tỷ lệ cảnh báo, tỷ lệ xử lý từng khoản vay và email hàng ngày để cập nhật các thông tin liên quan.
Khi tỷ lệ vay của mỗi khoản vay tăng thêm 10% so với tỷ lệ vay ban đầu vì bất kỳ lý do gì, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo về tỷ lệ an toàn từ FPTS dưới một trong các hình thức: email, điện thoại, văn bản, trực tiếp. Thông báo chính thức của bên A (FPTS) sẽ bằng email tới địa chỉ email khách hàng đã đăng ký chính thức với FPTS.
Khi tỷ lệ vay của mỗi khoản vay tăng thêm 15% so với tỷ lệ vay ban đầu vì bất cứ lý do gì, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo về tỷ lệ an toàn dưới một trong các hình thức nêu trên. Trước 16h30 của ngày làm việc liền sau thời điểm khoản vay ở mức xử lý, khách hàng có nghĩa vụ thanh toán một phần tiền vay để đưa tỷ lệ vay về mức cảnh báo. Nếu quá thời hạn này mà khách hàng không thực hiện như trên, FPTS có toàn quyền chủ động bán xử lý chứng khoán ký quỹ để đảm bảo thu hồi đầy đủ tiền gốc, tiền lãi và các khoản phí khác”.
Trong trường hợp của bà Hương, trước khi xử lý bán chứng khoán ký quỹ, hệ thống của FPTS đều có các email, tin nhắn SMS gửi đến địa chỉ email và điện thoại đăng ký của khách hàng. Ngoài ra, môi giới Hải đã thông báo cho khách hàng về việc hụt tài khoản margin và yêu cầu khách hàng xử lý.
FPTS cho biết thêm, để các món vay ký quỹ không bị hệ thống tự động bán xử lý, khách hàng cần phải thực hiện trả bớt, chứ FPTS không tự động trích tiền trong tài khoản của khách hàng. Điều này nhằm đảm bảo quyền tự quyết định các tài sản của khách hàng. Do bà Hương không có lệnh chuyển tiền vào đúng thời điểm yêu cầu, nên hệ thống của FPTS đã tự động bán chứng khoán để bù vào tài khoản margin bị thiếu hụt.
Theo FPTS, khách hàng thua lỗ là do giá dầu thế giới giảm làm giá các cổ phiếu dầu khí đi xuống. Giá cổ phiếu PVB đã giảm liên tiếp từ mức 61.000 đồng/CP ngày 14/11/2014 xuống còn 36.300 đồng/CP ngày 16/12/2014. Khách hàng đã thực hiện mua cổ phiếu PVB vào những ngày giá cổ phiếu này ở mức cao và một vài ngày trước khi giá cổ phiếu PVB giảm xuống tới mức xử lý, môi giới Hải đã khuyến nghị khách hàng bán ra, nhưng khách hàng không quyết định bán.
Nguồn Đầu tư chứng khoán