Thứ Ba | 21/07/2015 11:10

Nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường hàng hóa

Giá hàng hóa từ vàng, dầu, đồng, bông và đường đồng loạt lao dốc khiến giới đầu tư đang rút mạnh tiền ra khỏi thị trường này.

Dòng tiền chuyển hướng ra khỏi thị trường hàng hóa tăng lên khi Fed tiến gần hơn tới quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ vào cuối năm nay.

Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ (CFTC), lần đầu tiên kể từ năm 2006, tỷ lệ đặt cược giá vàng giảm của các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư khác cao hơn tỷ lệ đặt cược giá tăng. Tỷ lệ đặt cược giá dầu tăng cũng xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2015.

Giới đầu tư đã rút khoảng 1,1 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư hàng hóa trong quý II, theo số liệu của EPFR Global.

Làn sóng bán tháo trên thị trường hàng hóa chủ yếu do đồn đoán Fed sẽ nâng chi phí đi vay trong vài tháng tới – động thái được cho là sẽ khiến USD mạnh lên, gia tăng áp lực lên hàng hóa, làm giảm tính hấp dẫn của hàng hóa đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong khi lãi suất tăng sẽ hút tiền vào tài sản lãi suất cao.

Đà lao dốc của giá hàng hóa cũng tác động đến thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu. Đồng tiền của các nước sản xuất hàng hóa như Canada và Australia đồng loạt giảm cùng với đà giảm của kim ngạch xuất khẩu, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường việc làm. Các công ty khai mỏ đồng hoặc khoan dầu cũng đang phải chịu áp lực giá giảm, thậm chí phải cắt giảm sản lượng và đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Kể từ đầu năm nay, đôla Úc (AUD) giảm 9,8% so với USD xuống 0,7372 USD/AUD. Đôla New Zealand (NZD) cũng giảm 16% so với USD xuống 0,6567 USD/NZD. Đôla Canada (CAD) giảm 11% so với USD xuống 1,2995 CAD/USD.

Các ngân hàng trung ương Canada, Úc, New Zealand đều đã hạ lãi suất để hạn chế tác động tiêu cực do giá hàng hóa giảm đến nền kinh tế.

Phiên giao dịch hôm 20/7, giá dầu Mỹ giảm 1,5% xuống dưới 50 USD/thùng, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 2,2% xuống thấp nhất 5 năm. Giá đường thô cũng giảm 4,4% xuống 11,44 cent/pound, thấp nhất kể từ tháng 1/2009. Đồng real Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, giảm 17% so với USD kể từ đầu năm do các doanh nghiệp nước này tăng sản lượng để bù đắp doanh thu.

Nhiều nhà đầu tư tìm đến thị trường hàng hóa khi thị trường này tăng mạnh trong bối cảnh USD giảm và lo ngại nguồn cung toàn cầu không thể đáp ứng được tốc độ tăng dân số. Giờ đây, USD lên sát mức kỷ lục 12 năm và giới phân tích cho rằng, khi Fed nâng lãi suất, USD sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.

Nhật Trường

Nguồn WSJ