Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chờ đợi IPO viễn thông
Gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan tâm tới việc cổ phần hóa DNNN của Việt Nam. Điển hình một số nhà đầu tư đã bỏ hàng triệu USD để mua cổ phần tại một số tập đoàn nhà nước, mở đầu cho làn sóng mới, xu hướng mới trong năm 2015.
DNNN đứng trước cơ hội lột xác
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp đã nhận định rằng vừa qua Chính Phủ đã có những nỗ lực hết mình trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đạt được những thành quả nhất định.
Theo kế hoạch của Chính Phủ trong 2 năm 2014-2015, cả nước phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước, nhưng sau khi rà soát, tiếp tục bổ sung danh mục doanh nghiệp phải cổ phần hóa tới thời điểm này thì lên tới 532 doanh nghiệp Nhà nước cần cổ phần hóa.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2014 cả nước mới sắp xếp 167 doanh nghiệp (gấp 1,6 lần năm 2013), trong đó cổ phần hóa 143 doanh nghiệp (gấp 2 lần). Như vậy, trong năm 2015 Chính Phủ phải thực hiện sắp xếp và cổ phần hóa 365 doanh nghiệp còn lại. Nhiệm vụ này được xem như thách thức mà Chính Phủ đặt ra cho mình.
Sắp tới, hàng loại các DNNN sẽ buộc phải cổ phần hóa theo đúng kế hoạch của Chính Phủ. Cụ thể, gần nhất có thể xét đến các ông lớn như: Công ty dịch vụ viễn thông di động Việt Nam (MobiFone), Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).'
Có thể nói Mobifone là "ông lớn" trong ngành viễn thông khi nắm giữ tới 21% thị phần của thị trường di động Việt Nam. Mobifone được định giá khoảng 3,4 tỷ USD. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp này được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ đón. Theo kế hoạch, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 20% cổ phần của Mobifone...
Tương tự, Vinacomin và Vinalines đều là những tập đoàn đầu ngành trong các lĩnh vực khoáng sản và hàng hải. Cổ phần hóa hai "ông lớn" này trong thời gian sắp tới sẽ hứa hẹn những cơn sóng bất ngờ.
Việc cổ phần hóa 365 doanh nghiệp dồn dập trong năm 2015 là thách thức với Chính Phủ nhưng lại là một cơ hội tốt với các nhà đầu tư. Với các dự báo triển vọng kinh tế năm 2015, tỷ lệ lạm phát thấp, GDP khả quan...các DNNN đang đứng trước một cuộc chơi mới. Liệu rằng họ có nắm được cơ hội để lột xác!
Các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào Việt Nam đón sóng IPO
Mới đây Chính Phủ đã đồng ý cho Vinalines bán Cảng Hải Phòng cho các nhà đầu tư ngoại. Cụ thể, Vinalines được phép bán là tối thiểu 19,68% và tối đa 29,58% cho đối tác ngoại là Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI). Theo tìm hiểu, VOI là một công ty trực thuộc Quỹ dự trữ Quốc gia vương quốc Oman, được thành phố Hà Nội cấp phép hoạt động từ năm 2008 trong lĩnh vực môi giới đầu tư, hỗ trợ quản lý doanh nghiệp.
Trước đó không lâu Tập đoàn Itochu (Nhật) cho biết sẽ mua lại khoảng 5% cổ phần của Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex). Itochu là tập đoàn kinh doanh hỗn hợp lớn thứ ba của Nhật Bản. Với giá mua hơn 1 tỉ yen (9,25 triệu USD), Itochu trở thành tập đoàn Nhật đầu tiên không thuộc định chế tài chính đầu tư vào một doanh nghiệp nhà nước của VN.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra mặn mà với IPO của các DNNN là một cơ hội mới cho các DN này lột xác thay đổi cả về công nghệ, dây chuyền sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Theo các chuyên gia đây là một xu hướng mới, cần ngoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài chứ không nên hạn chế.
Chia sẻ về xu hướng này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lí kinh tế Trung Ương năm 2014 cho biết mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu khác nhau nên việc tìm đối tác chiến lược khác biệt.
"Đặt giả thuyết doanh nghiệp có nhu cầu IPO để huy động vốn, đổi mới công nghệ, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu thì cần phải tìm nhà đầu tư chiến lược, đối tác nước ngoài là thuận lợi nhất bởi họ hội tụ đủ các yếu tố để đưa các doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu". TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu.
Theo ông Cung nếu các doanh nghiệp nước ngoài vào đây và sống chết cùng với doanh nghiệp Việt phải dành cho họ số cổ phần đủ lớn để gắn trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài với số phận doanh nghiệp Việt. Theo ông Cung không nên hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài và đặc biệt không nên có cái nhìn bi quan khi nói đến việc các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mua cổ phần.
"Rõ ràng là đây là một cuộc chơi công bằng, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam được sao chúng ta không sang nước họ được. Đó là do ta yếu chứ đừng nhìn việc doanh nghiệp nước ngoài sang mình đầu tư là tiêu cực", ông Cung nói.
Trao đổi với NDH, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho biết hoàn toàn ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài tham gia IPO các DNNN. Ông Tuấn cho biết, trong quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài, họ bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với thị trường Việt Nam điển hình là viễn thông.
Ông Tuấn lí giải, sắp tới Việt Nam sẽ IPO hàng loạt các "ông lớn" của ngành viễn thông, đây là lĩnh vực kinh doanh còn nhiều tiềm năng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
"Viễn thông của Việt Nam tuy phát triển mạnh nhưng chất lượng dịch vụ vẫn còn thấp, công nghệ, sự đổi mới...không nhiều. Hiện nay các nhà đầu tư Hàn Quốc với tiềm lực về công nghệ, dịch vụ tốt...đang chờ đợi IPO lĩnh vực viễn thông của Việt Nam trong thời gian tới để nhảy vào đầu tư", ông Tuấn nói.
Nguồn NDH