Thứ Tư | 16/07/2014 16:23

Nhà đầu tư Nhật lo ngại rủi ro tỷ giá với các dự án PPP

Phía Nhật lo ngại biến động tỷ giá quá lớn, khó khăn trong chuyển đổi từ VND sang USD có thể ảnh hưởng xấu tới nhà đầu tư các dự án PPP.
Sáng nay (16/7), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã tổ chức hội nghị Đối thoại cấp cao lần thứ hai về hợp tác công - tư (PPP) tại Việt Nam.

Tại hội nghị, Thống đốc JBIC Hiroshi Watanabe trình bày một số vướng mắc của nhà đầu tư tư nhân khi tham gia vào các dự án PPP tại Việt Nam hiện nay như rủi ro pháp lý, về ngoại hối, quá trình lựa chọn nhà đầu tư...

Rủi ro về ngoại hối là vấn đề JBIC đặc biệt lưu ý trong thời gian qua khi tham gia các dự án BOT nhà máy điện tại Việt Nam. Đại diện phía Nhật Bản bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước đưa ra khuôn khổ để hạn chế những rủi ro ngoại hối, cụ thể là việc đồng tiền mất giá.

Hiện khả năng chuyển đổi từ nội tệ sang USD vẫn hạn chế tại Việt Nam nên các nhà đầu tư, tổ chức tài chính đảm bảo mong muốn được đảm bảo 100% với khả năng chuyển đổi VND sang USD bởi thời gian các dự án PPP kéo dài hàng chục năm, nếu tỷ giá biến động quá lớn sẽ ảnh hưởng tới tài chính của doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Tăng cho biết, vấn đề ngoại tệ đã xử lý, trách nhiệm chuyển đổi ngoại tệ đã được quy định, còn đảm bảo tỷ giá thì chưa. Phía Việt Nam đã tham khảo nhiều nhà đầu tư và luật thì không có chỗ nào đảm bảo tỷ giá ngoại tệ sau 40 năm. Nhà đầu tư phải tính luôn trong rủi ro, chứ Nhà nước không thể đảm bảo được 40 năm sau. Trường hợp dự án cụ thể đặc biệt nào thì trình Thủ tướng.

Ông Lê Văn Tăng cho biết, theo đúng tiến độ thì sớm nhất là trong quý III hoặc quý IV năm nay sẽ ban hành nghị định về PPP, đảm bảo minh bạch, rõ ràng với các bên.

Dự thảo nghị định loại bỏ mức trần 30% vốn góp của Nhà nước trong các dự án PPP. Thực tế, một số dự án hiện nay không cần có Nhà nước tham gia thì vẫn được nhà đầu tư quan tâm, chẳng hạn như các dự án BOT điện, bởi khi làm ra điện và tung lên lưới thì sẽ đảm bảo nguồn thu ổn định cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với các dự án giao thông, với lưu lượng 1000 xe/ngày cùng giá vé hiện nay thì nhà đầu tư tính rằng 60 năm mới thu hồi vốn và có lãi, với thời gian như thế thì các ngân hàng sẽ không cho nhà đầu tư vay tiền, như thế dự án không khả thi. Muốn khả thi thì Nhà nước phải tung vào đó một khoản tiền, khi đó nhà đầu tư tính toán lại thời gian thu hồi vốn và sẽ lại tham gia.

Theo ông Tăng, mức đầu tư của Chính phủ vào các dự án PPP sẽ tùy thuộc vào từng dự án, có những dự án quyết liệt cấp thiết thì kể cả 50% cũng phải đầu tư, nhưng có lúc 20% cũng không đầu tư.

Các dự án đầu tư công phải xem xét có thực hiện PPP được không, nếu được thì ưu tiên PPP, ông Tăng nhấn mạnh. Khi nghị định mới về PPP ra đời, thời gian đàm phán hợp đồng cũng như tiến độ thực hiện các dự án sẽ nhanh hơn hiện nay.

Về đầu mối PPP, ông Tăng cho biết, hiện đã có ban chỉ đạo PPP của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm trưởng ban, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh làm phó trưởng ban thường trực cùng sự tham gia của 9 thứ trưởng của các bộ, ngành liên quan. Các cán bộ tham gia quản lý PPP sẽ chuyên trách, theo dõi các dự án PPP trong suốt thời gian của dự án.

Dự thảo nghị định PPP lần này quy định không hạn chế doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tham gia các dự án PPP nhưng chỉ tham gia đúng ngành nghề chính. Ông Tăng cho biết, khi Viettel định tham gia làm đường cao tốc Ninh Bình - Hà Nội, Chính phủ đã ngay lập tức có ý kiến bởi không đúng ngành nghề chính của tập đoàn này. Quy định mới sẽ đảm bảo DNNN được tham gia các dự án đúng ngành nghề, không tràn lan.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện