Thứ Hai | 24/09/2012 09:00

Nhà đầu tư Nhật Bản dồn dập tới Đà Nẵng

Sự hiện diện của nhiều tập đoàn tên tuổi Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội hợp tác đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư khác tại Đà Nẵng.
Trên thực tế, mối quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản tới thị trường năng động Đà Nẵng vốn đã tăng mạnh từ nhiều tháng qua, với sự viếng thăm của nhiều đoàn doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã tiếp đoàn Công ty Corolla Fukushima thuộc Tập đoàn Ishida Taiseisha (Nhật Bản) và Tập đoàn truyền thông Dentsu Việt Nam, do ông Ryoya Sato, Chủ tịch Công ty Corolla Fukushima, dẫn đầu đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.
 
Ông Ryoya Sato đánh giá, Đà Nẵng là thành phố trẻ, năng động, cơ sở hạ tầng phát triển tốt và nguồn nhân lực dồi dào. Các thành viên trong đoàn rất quan tâm đến Đà Nẵng và muốn tìm cơ hội đầu tư lâu dài tại thành phố.
 
UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị các doanh nghiệp và đối tác Nhật Bản hợp tác đầu tư vào Đà Nẵng trên lĩnh vực du lịch và đầu tư vào khu công nghiệp công nghệ cao. Đà Nẵng cam kết dành các chính sách ưu đãi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố.
 
Thời gian này, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã gặp gỡ lãnh đạo UBND Thành phố, nhằm trao đổi về khả năng hợp tác triển khai dự án xây dựng hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn tại Đà Nẵng. Marubeni rất quan tâm đến dự án giao thông đô thị của Đà Nẵng, trong đó có giao thông công cộng, như xe buýt nhanh BRT, đường sắt nhẹ LRT và tàu điện ngầm (metro).
 
Trong tuần đầu tháng 9, Hiệp hội Hợp tác giao thông - vận tải Nhật Bản (JTCA), Công ty TNHH Tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển khu vực duyên hải hải ngoại Nhật Bản (OCDI) cũng đến xúc tiến hợp tác đầu tư giai đoạn 2, dự án nâng cấp Cảng Đà Nẵng.
 
Trước đó, vào cuối tháng 7/2012, Công ty Tokyo Keiki (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) quyết định thành lập nhà máy sản xuất tại Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD. Giai đoạn đầu, Công ty thuê nhà xưởng tại Đà Nẵng và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4/2013. Từ năm 2014, Công ty sẽ chuyển đến Khu công nghệ cao Đà Nẵng sau khi xây dựng xong nhà máy riêng tại đây. 

Cũng trong tháng 7, Công ty TNHH Việt Nam Tokai đã khởi công xây dựng Nhà máy Việt Nam Tokai chuyên sản xuất linh kiện ô tô bằng cao su và nhựa tại Khu công nghiệp Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ). Nhà máy được đầu tư với tổng vốn ban đầu là 10 triệu USD, xây dựng trên diện tích đất 47.000 m2. Dự kiến, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013.
 
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã có hơn 50 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động kinh doanh và đầu tư. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn tên tuổi Nhật Bản cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư khác tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại miền Trung chưa nhiều, bên cạnh đó, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong việc cung cấp tại chỗ về nguyên liệu, linh kiện, sản phẩm gia công chế tạo như chi tiết khuôn… còn khó khăn, phải dựa vào nguồn từ nước ngoài hoặc từ Hà Nội, TPHCM, nên làm tăng chi phí vận chuyển.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện