Nhà đầu tư ngoại dùng “chiêu” né thuế?
Sau gần hai tháng kể từ khi thương vụ Big C VN được hoàn tất và về tay người Thái, cơ quan thuế VN vẫn chưa thu được khoản thuế chuyển nhượng vốn lên tới 3.600 tỉ đồng, dù hệ thống Big C đã thay đổi hàng loạt người đại diện theo pháp luật.
Cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh thừa nhận biết doanh nghiệp (DN) lách luật nhưng không thể làm gì vì chính sách lạc hậu so với thực tiễn. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan thuế cần quyết liệt hơn để buộc đơn vị chuyển nhượng vốn phải nộp thuế.
Qua mặt cơ quan quản lý?
Ngày 29-4 vừa qua, Tập đoàn Casino (Pháp) đã chính thức thông báo chuyển nhượng hệ thống Big C VN cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan) với giá trị lên đến 1,05 tỉ USD. Theo quy định, sau 10 ngày kể từ khi thương vụ được hoàn tất, bên chuyển nhượng sẽ phải nộp thuế chuyển nhượng vốn, dự kiến khoảng 3.600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, gần hai tháng sau thương vụ chuyển nhượng, hàng loạt siêu thị Big C tại VN đã được thay đổi người đại diện pháp luật, như Big C Thanh Hóa, Big C ở Hà Nội, Big C Đồng Nai..., trong khi các bên tham gia thương vụ chuyển nhượng này vẫn chưa kê khai và nộp thuế.
Trả lời Tuổi Trẻ lý do chấp nhận cho Big C thay đổi người đại diện pháp luật dù các bên liên quan chưa thực hiện kê khai và nộp thuế, ông Nguyễn Văn Tứ, giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, cho rằng việc thay đổi người đại diện pháp luật của DN là rất bình thường theo quy định. “Hôm nay DN có thể thuê người này nhưng mai có thể thuê người khác làm người đại diện pháp luật” - ông Tứ nói.
Trước đó, từ ngày 1-6, theo đề nghị của Big C Thăng Long, Sở KH&ĐT Hà Nội đã chấp thuận cho DN này thay đổi người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, liên quan đến việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án đối với Big C Thăng Long, Sở KH&ĐT Hà Nội đang phối hợp với Cục Thuế Hà Nội để đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Do đó, theo ông Tứ, đến thời điểm này Big C Thăng Long chưa thay đổi bất cứ thông tin gì liên quan đến nhà đầu tư. Cụ thể, vẫn là hai nhà đầu tư góp vốn cũ, gồm Vindemiasas (Pháp) với 65% cổ phần (có giá trị phần vốn góp lên tới 108,5 tỉ đồng) và Công ty TNHH một thành viên Thăng Long GTC nắm 35% cổ phần (có giá trị phần vốn góp 58,9 tỉ đồng).
“Chỉ khi thay đổi nhà đầu tư mới có hoạt động chuyển nhượng. Việc thay đổi người đại diện pháp luật và thay đổi nhà đầu tư là hoàn toàn khác nhau” - một cán bộ Sở KH&ĐT Hà Nội khẳng định.
Chính sách lạc hậu so với thực tiễn
Trả lời Tuổi Trẻ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DN khi chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế có đúng quy định hay không, một lãnh đạo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết theo quy định (tại khoản 1, điều 28 Luật doanh nghiệp), cơ quan này phải cấp giấy chứng nhận đăng ký DN khi hội đủ các điều kiện.
“Nếu DN đáp ứng được các yêu cầu như ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm, tên của DN được đặt theo đúng quy định, có hồ sơ đăng ký DN hợp lệ và nộp đủ lệ phí đăng ký DN. Như vậy, nếu DN không vi phạm các quy định trên, chúng tôi không có lý do gì từ chối cho họ đăng ký” - vị này nói.
Liệu Big C VN đang sử dụng “chiêu” lách thuế bằng cách chỉ thay đổi người đại diện chứ không thay đổi chủ đầu tư, một số chuyên gia về thuế khẳng định “có dấu hiệu” nhà đầu tư đã cố tình trốn nghĩa vụ thuế với ngân sách.
“Nếu thay đổi nhà đầu tư tức là có phát sinh thu nhập ở VN, người bán sẽ phải nộp thuế. Nhưng nếu chỉ thay người đại diện, dù chủ đầu tư mới vẫn điều hành qua người mới này, người bán có thể sẽ lách được thuế” - một chuyên gia nhận định.
Theo vị này, bản chất của vấn đề là pháp lý của VN chưa lường hết được những phát sinh trong thực tế, hay nói cách khác là chính sách đi sau thực tiễn trong lĩnh vực chuyển nhượng bên ngoài VN, tạo kẽ hở cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách lách thuế chuyển nhượng vốn.
Một cán bộ phòng đầu tư nước ngoài của Sở KH&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận: “Không biết hành xử thế nào cho đúng bản chất của vụ việc dù biết là có giao dịch mua bán chuyển nhượng”.
Vị này cho rằng hoạt động chuyển nhượng bên ngoài VN là câu chuyện lớn mà các bộ ngành liên quan (Bộ KH&ĐT, Tư pháp, Tài chính, Công thương...) cần phối hợp xem xét chặt chẽ để hiểu đúng bản chất và có hướng dẫn bởi trên thực tế rất nhiều vụ chuyển nhượng vốn tương tự thương vụ Big C nhưng chưa được quan tâm do giá trị không lớn.
“Hiện tượng này đã xảy ra từ lâu chứ không phải là mới lạ và Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đã nhiều lần báo cáo với Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT về tình trạng này” - vị này khẳng định.
Đủ cơ sở thu hồi giấy chứng nhận DN?
Nhiều chuyên gia thuế cho rằng nếu không quyết liệt, ngành thuế sẽ khó khăn trong việc thu thuế chuyển nhượng vốn, nếu ông chủ các DN đang hoạt động tại VN nhưng thực hiện việc chuyển nhượng vốn bên ngoài VN và sử dụng nhiều chiêu lách thuế.
Thương vụ chuyển nhượng vốn tại hệ thống siêu thị Big C VN là một ví dụ. Dù quy định thu nhập phát sinh ở VN, nhà đầu tư phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế nhưng ông chủ của hệ thống Big C chây ỳ thực hiện và cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cục Thuế Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở KH&ĐT Hà Nội đề nghị thu hồi giấy phép thay đổi người đại diện pháp luật của Big C Thăng Long.
Theo đó, một trong những lý do mà cơ quan thuế có đề nghị trên là do Big C Thăng Long phát sinh hoạt động kinh doanh cho thuê mặt bằng, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (kinh doanh bất động sản) nằm ngoài phạm vi của giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận kinh doanh được cấp.
Đây là căn cứ thuyết phục chứng minh việc vi phạm Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp mà Sở KH&ĐT phải xem xét tạm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho Big C Thăng Long để rà soát toàn bộ hoạt động của DN này trước khi cấp mới.
“Nếu nhận được đề nghị từ cơ quan thuế bằng văn bản về việc cưỡng chế thuế DN cũng như yêu cầu thu hồi đăng ký kinh doanh đã cấp cho Big C Thăng Long, cơ quan đăng ký kinh doanh hoàn toàn có đủ căn cứ để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN của DN này” - một lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khẳng định.
Tổng tiền nợ thuế đã lên tới trên 76.000 tỉ đồng Theo số liệu cập nhật đến hết tháng 4-2016 của Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế của toàn ngành đã lên tới 76.000 tỉ đồng, tăng hơn 3.100 tỉ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó, tiền nợ thuế nợ trên 90 ngày gần 36.730 tỉ đồng, nợ không có khả năng thu là 15.350 tỉ đồng. Năm tháng đầu năm, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra được gần 22.000 DN, tăng thu được 4.266 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số tiền thuế truy thu 2.961 tỉ đồng, truy hoàn 210 tỉ đồng, phạt 1.000 tỉ đồng, số thuế điều chỉnh tăng thu qua kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế hơn 88 tỉ đồng... |
Nguồn Tuổi trẻ