Nhà đầu tư ngoại có thể giúp tái cấu trúc ngân hàng
“Nghiên cứu của tôi đối với 138 ngân hàng ở các nước châu Á bị khủng hoảng tài chính năm từ 1997-1998 cho thấy, hai hình thức sau (đóng cửa và gọi vốn đầu tư tư nhân) mang lại hiệu quả cao hơn” - TS. Cấn Văn Lực nói.
Theo TS. Cấn Văn Lực, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia qua 4 hình thức chính. Một là có thể mua lại phần lớn, thậm chí toàn bộ một ngân hàng trong nước - nếu pháp luật nước đó cho phép qua AMC. Hai là trở thành cổ đông chính, tức là nắm khoảng 20 - 25% cổ phần. Ba là tham gia mua - bán nợ xấu của các ngân hàng trong nước. Bốn là tư vấn tái cơ cấu.
Việc tham gia mua bán nợ xấu của các nhà đầu tư nước ngoài có thể thông qua công ty mua bán nợ (AMC) hoặc trực tiếp từ các ngân hàng. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc mua lại nợ từ AMC sẽ thuận lợi hơn, bởi thường AMC như vậy có độ chuyên môn hóa cao hơn.
Một trong những yếu tố quan trọng để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài vào ngân hàng nội là tỷ lệ sở hữu. Theo ông Lực, tỷ lệ sở hữu phải đủ lớn mới hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho rằng tỷ lệ này có thể lên đến 49% - bằng với tỷ lệ cho doanh nghiệp nói chung là phù hợp. Đây có thể xem là bước mở và thu hút dần nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng phù hợp lộ trình cam kết WTO về mở cửa thị trường ngân hàng trong tương lai.
"Theo kết quả khảo sát về nhu cầu đầu tư tư nhân của các công ty, quỹ đầu tư gần đây của Grant Thornton, có đến 53% các công ty được hỏi cho rằng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn tại châu Á; và 58% coi việc mua tài sản xấu tại Việt Nam là một kênh đầu tư. Như vậy, tôi tin khi có cung ắt sẽ có cầu và ngược lại, bất kể thời điểm nào", ông chia sẻ.
Ông cũng nói thêm rằng, cần sớm xây dựng quy định về mua bán nợ, đặc biệt là mua bán nợ xấu với sự tham gia của cả khu vực tư nhân trong và ngoài nước; cũng như cơ chế hoạt động cho AMC khi thành lập.
Song song với đó, cần tạo ra thị trường mua bán nợ xấu và xem đây là một hoạt động bình thường. Tất nhiên, kèm theo đó là những điều chỉnh về minh bạch thông tin của cả bên bán và bên mua; và giải quyết dứt điểm, minh bạch hóa vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm, nếu có.
Nguồn Thời báo Ngân hàng