Nhà đầu tư Mỹ-Nhật rốt ráo kế hoạch dịch chuyển sang Việt Nam
HIỆU ỨNG TÍCH CỰC
Có nhiều yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến cho giới đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung ngành càng căng thẳng. Chẳng hạn, theo ông Alex Feldman, Chủ tịch USABC, các doanh nghiệp Mỹ cho rằng trong giai đoạn tới đây các nhà đầu tư sẽ cân nhắc nhiều hơn khả năng ứng phó của chính phủ các nước trước các cú sốc từ bên ngoài. Do đó, các kết quả trong công tác chống dịch và nỗ lực phục hồi kinh tế của Việt Nam đã và đang tạo ra những hiệu ứng rất tích cực trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch USABC và đại diện các doanh nghiệp Mỹ đều rất quan tâm và đánh giá cao các cơ hội đầu tư vào ASEAN và Việt Nam hiện nay, nhấn mạnh vị trí quan trọng của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và việc ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 và là điểm đến đầu tư số 1 của Mỹ tại khu vực. USABC hiện đại diện cho hơn 160 tập đoàn, doanh nghiệp thành viên.
Báo cáo do Công ty Chứng khoán VNDirect công bố mới đây cũng cho hay Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Thái Lan. Hai tập đoàn công nghệ khổng lồ này dự kiến bán điện thoại Pixel4A, Pixel5 và máy tính Surface tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư từ Nhật trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19. Khảo sát của JETRO cho thấy trên 63% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh ở Việt Nam có nguyện vọng mở rộng đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, cao nhất khu vực ASEAN.
Đánh giá cao thành công chống dịch COVID của Việt Nam, công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - Okabe Daisuke - cho rằng với năng lực quản trị rủi ro cao, Việt Nam đã gặt hái thành công trong khi nước khác đang khốn đốn vì COVID thì nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh chóng, cũng là nước đầu tiên thấy lợi thế của đa dạng hóa cung cấp.
Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu hỗ trợ cho các công ty nước mình chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để quay về Nhật Bản hoặc chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết trong hôm 17/7 rằng, 57 công ty sẽ nhận trợ cấp để chuyển sản xuất sang Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác. Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa (SME). Chưa rõ việc di dời này là một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc.
Theo tờ báo Nikkei đưa tin, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ 70 tỷ yên trong đợt này. Trước đó, chính phủ Nhật cũng có các khoản hỗ trợ 243,5 tỷ yên trong tháng 4 để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, với số tiền nhằm giúp các công ty chuyển nhà máy trở về nước hoặc sang các quốc gia khác.
Khi mối quan hệ Mỹ Trung xấu đi và chiến tranh thương mại trở nên tồi tệ hơn, có nhiều cuộc thảo luận ở Mỹ và các quốc gia khác về vấn đề làm sao để tách rời sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc cũng như các công ty từ Trung Quốc.
Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay, sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.
CHIẾN LƯỢC CHO TRẬT TỰ FDI MỚI
Để tận dụng được cơ hội từ việc chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn đến Việt Nam, Bộ Công Thương cũng có nhiều để xuất như phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước.
Đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.
Chi phí nhân công so sánh. Nguồn: Statista 2020. |
Ngoài ra, Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ, tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua thành lập tổ công tác thúc đẩy đầu tư nước ngoài, việc Việt Nam sẽ nối lại một số đường bay thương mại, tạo điều kiện nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao người nước ngoài. Việt Nam cũng đang trao đổi với phía Mỹ và các nước trong khu vực về các sáng kiến hợp tác kinh tế, bao gồm Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng, để khuyến khích các dự án hợp tác sản xuất sản phẩm công nghệ cao và phát triển kinh tế số. Đại sứ cũng cập nhật các nỗ lực của ASEAN trong ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR), cơ hội này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần có một chiến lược thu hút đầu tư FDI phù hợp với sự thay đổi trật tự kinh tế thế giới trong 30 năm tới. Lúc này làn sóng dịch chuyển đầu tư đang nhanh nhưng có thể chững lại trong vài năm tới. Thời gian qua, các tập đoàn lớn nhận ra sự phụ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc có nhiều rủi ro, đặc biệt là ứng xử của Trung Quốc trong thời gian qua khiến họ bất an.
“Muốn trở thành sự lựa chọn của các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu cần có đường đi, hướng đi rõ ràng, không đơn thuần là đưa ra các chính sách nhỏ lẻ mà cần đặt ra một chiến lược phát triển mới cho phù hợp với cục diện thế giới mới, giống như chúng ta đã chọn lựa đổi mới vào cuối những năm 1980, khi đó cục diện thế giới cũng có những thay đổi lớn”, Tiến sĩ Thành nhận định.