Nhà đầu tư “để không” hơn 7.000 tỷ đồng tiền mặt tại các CTCK
Các công ty chứng khoán có lượng tiền mặt của nhà đầu tư “để không” nhiều nhất đa phần nằm trong top 10 môi giới như: lượng tiền mặt của nhà đầu tư tại SSI là hơn 820 tỷ đồng, cao nhất thị trường
Tiếp theo là HSC và VND hơn 600 tỷ, FPTS và VCBS hơn 400 tỷ (số liệu của VCBS tại thời điểm 31/12 bởi báo cáo quý I/2013 không tách bạch khoản tiền nhà đầu tư khỏi con số tiền và tương đương tiền gần 630 tỷ).
Các công ty khác có lượng tiền mặt của nhà đầu tư cao là VPBS, MBS (hơn 300 tỷ đồng), BVSC, Rồng Việt (DVSC), PSI, AGR (hơn 200 tỷ), KLS (184 tỷ đồng), VietinbankSC, BSC (163 tỷ đồng)…
Tính riêng trong quý I/2013, lượng tiền của nhà đầu tư tại HSC tăng hơn 250 tỷ đồng so với đầu năm, ở KLS, VND và SSI lượng tiền nhà đầu tư cũng tăng hơn 100 tỷ, FPTS, PSI tăng 90 tỷ, trong khi nhà đầu tư rút tiền ra tại Thiên Việt và Phú Gia hơn 200 tỷ đồng trong quý I/2013.
Vậy tại sao nhà đầu tư lại “để không” một lượng tiền mặt lớn như vậy ở các công ty chứng khoán (CTCK) mà không giao dịch hoặc không gửi ngân hàng?
Một thực trạng hiện nay đó là lãi suất tiền gửi qua đêm tại các công ty chứng khoán ngang bằng thậm chí cao hơn tại các ngân hàng.
Trước kia khi lãi suất ngân hàng ở mức cao, khi thị trường giảm điểm hoặc lình xình đi ngang, nhà đầu tư thường rút tiền ra đi gửi ngân hàng để giữ tiền (chiếm chủ đạo) và thứ hai là để hưởng chênh lệch lãi suất giữa gửi tại ngân hàng và để tại CTCK.
Tuy nhiên kể từ tháng 4/2012 đến nay khi lãi suất huy động của ngân hàng giảm liên tục từ 14%/năm xuống còn 6-9%/năm, việc gửi tiền tại các ngân hàng không còn hấp dẫn như trước.
Hơn nữa, nhiều công ty chứng khoán ra chính sách thu hút nhà đầu tư bằng cách trả lãi qua đêm cho khách hàng với lãi suất hấp dẫn khoảng 5%/năm kỳ hạn 1 tuần. Việc này giúp CTCK “giữ chân” khách hàng và thứ hai “kích thích” nhà đầu tư khi thị trường có sóng có thể giao dịch được ngay.
Theo lời anh Hoàng, một nhà đầu tư tại CTCK tại Hà Nội, thị trường chứng khoán hiện tại đang hấp dẫn hơn cả so với các kênh chứng khoán khác, do đó sau khi chốt lời xong một lần giao dịch cổ phiếu, anh vẫn để tiền mặt tại CTCK, thay vì rút ra gửi ngân hàng như trước đây, để khi thị trường điều chỉnh, anh lại gom cổ phiếu.
Có một thực trạng xảy ra từ trước đến nay CTCK cũng dùng nguồn tiền của nhà đầu tư để quay vòng cho khách hàng vay margin. Tất nhiên, việc này là không được phép vì Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã có yêu cầu CTCK phải tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư và của CTCK.
Từ 15/1/2014, Ủy ban Chứng khoán có thể yêu cầu công ty chứng khoán dừng hoạt động môi giới nếu không tách bạch tài khoản.
Việc tách bạch tài khoản này có thể khiến nhiều CTCK “hao hụt” đáng kể. Thống kê cho thấy hiện có 24 công ty chứng khoán có lượng tiền của nhà đầu tư chiếm hơn 50% tổng tiền và tương đương tiền của CTCK, thậm chí tại MHBS, tiền của nhà đầu tư là 66,9 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng tiền và tương đương tiền của công ty; tại Rồng Việt, Đại Việt, Phú Gia, Tân Việt, khoản tiền của nhà đầu tư chiếm trên 90% lượng tiền và tương đương tiền của công ty, tại chứng khoán An Bình, VSM, NSI, PSI, MBSC, SBS, lượng tiền của nhà đầu tư chiếm hơn 80%.
Nguồn CafeF