Nhà đầu tư chứng khoán: Hãy tạm quên TPP!
Thị trường chứng khoán đã có nhiều phiên tăng điểm khá tốt để đón chào thông tin về sự thành công của vòng đàm phán TPP vào cuối tháng 7. Và khi những thông tin đầu tiên về việc vòng đàm phán này chưa đi đến hồi kết loang ra, thị trường có một phiên giảm điểm khá mạnh vào đầu tuần này. Nhưng đà điều chỉnh cũng chỉ diễn trong một hai phiên, thị trường lại hào hứng trở lại.
Quan sát kỹ thị trường, có thể thấy, những cổ phiếu điều chỉnh mạnh là những cổ phiếu đã có quãng tăng giá khá cao, chạm vào ngưỡng kháng cự nên về mặt kỹ thuật, nếu không có thông tin hỗ trợ thì giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh giảm. Vì thế, việc vòng đàm phán TPP chưa đi đến hồi kết là lý do để nhà đầu tư bán mạnh. Ngược lại, thị trường xuất hiện lực mua vào mạnh mẽ từ những nhà đầu tư đã chờ đợi cơ hội điều chỉnh để mua vào.
Bên mua có mục tiêu nắm giữ lâu dài vì chưa xét đến yếu tố TPP thì định giá hầu hết các cổ phiếu hiện nay vẫn còn rẻ. Không xét P/E chung của toàn thị trường, P/E của các cổ phiếu như HPG, GMD, HSG, REE, FPT chỉ khoảng 8 - 9 lần, thậm chí HSG, PET có mức P/E 2015 chỉ khoảng 7 lần.
Một số cổ phiếu bất động sản như NTL, DXG, NLG cũng rất có tiềm năng khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục rõ nét. Đó chính là lý do, những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư cơ bản cho rằng, nên tạm quên TPP đi. Việc thông qua TPP chỉ là vấn đề thời gian. Sớm hay muộn thì TPP cũng đi đến hồi kết và những người nắm giữ cổ phiếu sẽ được hưởng lợi.
Nhìn vào diễn biến cổ phiếu GMD, có thể thấy rõ điều này. Trong phiên thị trường điều chỉnh GMD giao dịch đến 800.000 cổ phiếu, gấp 2-3 lần khối lượng khớp lệnh bình thường với mức giảm không đáng kể. Sau đó, GMD đã bật tăng trở lại rất vững vàng.
Một lãnh đạo của GMD cho biết, khi TPP được ký kết, cùng với việc triển khai các hiệp định thương mại tự do khác, ngành hàng giày da, thực phẩm, dệt may… của Việt Nam sẽ tăng trưởng xuất khẩu đáng kể, nhất là sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản. Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động sẽ đẩy mạnh nhu cầu đối với dịch vụ cảng và logistic.
GMD đang đầu tư các dự án trung tâm phân phối và dịch vụ kho bãi ở phía Bắc và phía Nam để đẩy mạnh phát triển hoạt động logistic cũng như đẩy mạnh thị phần cảng thông qua M&A các cảng và depot trong khu vực, nghiên cứu tham gia đầu tư cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Mục tiêu của GMD là nâng công suất cảng lên 3,7 triệu TEU và 2,4 triệu tấn hàng rời/năm và trở thành doanh nghiệp logistic dẫn đầu thị trường Việt Nam. Xa hơn, GMD sẽ tái khởi động dự án cảng nước sâu Gemalink Cái Mép tại thời điểm phù hợp trong vài năm tới.
Giới phân tích chứng khoán đang hướng nhà đầu tư quan tâm đến hai cổ phiếu ngành thép là HPG và HSG. Không chịu tác động trực tiếp từ TPP, nhưng 2 doanh nghiệp này đang hưởng lợi từ thị trường nội địa với kinh tế ổn định và phát triển.
HSG nếu giữ phong độ như 9 tháng đầu niên độ vừa qua thì cả năm tài chính kết thúc cuối tháng 9 sẽ đạt lợi nhuận khoảng 630 tỷ đồng, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phần đạt hơn 6.000 đồng. HSG vừa hoàn thành giao dịch cổ phiếu quỹ là điều kiện tiến hành việc chia 30% bằng cổ phiếu như ĐHCĐ đã thông qua.
Còn HPG đang hưởng lợi rõ ràng từ thị trường bất động sản sôi động và với nền tảng tốt, HPG đang tạo ra sản phẩm với giá thành thấp hơn khoảng gần 10% so với các đơn vị cùng ngành. Vì thế, Thép Hòa Phát ngày càng mở rộng thị phần từ 19,1% năm 2014 lên 22% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Thông thường, các tháng cuối năm sản phẩm của Hòa Phát có mức tiêu thụ tốt hơn do các dự án đẩy mạnh tiến độ giải ngân. Vì vậy, với mức giá hiện nay, HPG đang là địa chỉ được khuyến nghị đầu tư.
Rõ ràng, nếu tạm quên đi yếu tố TPP thì thị trường vẫn có đầy đủ các yếu tố cơ bản để giữ vững mặt bằng giá hiện nay. Dòng tiền vẫn đang chảy vào các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt được định giá thấp.
Việc Việt Nam gia nhập TPP chỉ là vấn đề thời gian, bởi Việt Nam đã hoàn thành đàm phán song phương với các nước. Tại thời điểm nhiều cổ phiếu đang được định giá thấp như hiện nay thì có thể “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Nguồn ĐTCK