Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu SME
Trong suốt phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu SME trên HNX luôn trong tình trạng dư bán lượng lớn trên bảng điện tử. Giá cổ phiếu SME tiếp tục giảm xuống 700 đồng/cổ phiếu, bằng 1/15 mệnh giá. Cuối phiên, dư bán giá sàn gần 250.000 cổ phiếu, trong khi giao dịch cả phiên là 200 cổ phiếu chỉ đủ để thị trường có giao dịch.
So sánh giá SME với các cổ phiếu chứng khoán khác trong phiên cuối tuần, một vài mã ngành chứng khoán cũng bị giảm giá như SBS của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín giảm từ 4.200 đồng/cổ phiếu xuống 4.000 đồng/cổ phiếu, BVS của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt giảm từ 12.100 đồng/cổ phiếu xuống 12.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, một số mã khác vẫn tăng giá, như HPC của Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng vẫn tăng từ 4.300 đồng/cổ phiếu lên 4.400 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu SHS của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội vẫn tăng từ 6.400 đồng/cổ phiếu lên 6.700 đồng/cổ phiếu.
Điều này cho thấy, phần lớn nhà đầu tư vẫn coi sự kiện tại SME là chuyện riêng của công ty này nhiều hơn là một nguy cơ có thể liên quan đến các công ty chứng khoán khác. Ngoài ra, giờ đây, nhà đầu tư chứng khoán cũng khá quen với một “scandal” nào đó liên quan đến công ty chứng khoán, trong đó có việc một lãnh đạo một công ty chứng khoán bị bắt, nên thái độ của họ cũng tỏ ra bình tĩnh hơn trước những thông tin này.
Cách đây khoảng hơn 2 tháng, một lãnh đạo một công ty chứng khoán khác là ông Hoàng Xuân Quyến, nguyên Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS) cũng bị bắt giữ.
Mặc dù vậy, sự việc liên quan đến ông Quyến cũng có khác nhiều so với sự việc tại SME hiện giờ. Theo đó, việc ông Quyến bị bắt là do chính HĐQT LVS tố cáo. Hơn nữa, lý do ông Quyến bị bắt là do những sai phạm về lạm quyền trong quản lý điều hành doanh nghiệp dẫn đến thiệt hại cho công ty. Tại thời điểm bị bắt, ông Quyến cũng không còn là Tổng giám đốc LVS. Đối tượng chủ động tố cáo khiến ông Quyến bị bắt chính là HĐQT Công ty, nên doanh nghiệp cũng hoàn toàn có các phương án chủ động để sự kiện này ít ảnh hưởng đến chính Công ty.
Trong khi đó, việc ông Chí và ông Tuấn tại SME bị bắt lần này liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp.
Cùng một lúc hai nhân vật bị bắt là những lãnh đạo chủ chốt nhất của SME (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc và Phó chủ tịch HĐQT). Lý do khiến hai ông này bị bắt, theo thông tin ban đầu, là liên quan đến khả năng vỡ nợ (có dấu hiệu lừa đảo) của 2 hai cá nhân này, trong đó có liên đới trách nhiệm đối với pháp nhân SME.
Ngay trong ngày ông Chí và ông Tuấn của SME bị bắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ra Quyết định số 104/GPĐC-UBCK rút bớt nghiệp vụ môi giới chứng khoán của Công ty cổ phần Chứng khoán SME.
Nguồn Báo đầu tư