Nhà băng đầu tư cải thiện xếp hạng tín nhiệm
Trước đây, chỉ một vài ngân hàng của Việt Nam được các hãng uy tín trên thế giới như Standard & Poor, Moody, Fitch đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Nhưng đến nay, ngoài các “ông lớn” quốc doanh, số lượng nhà băng cổ phần mạnh dạn mời các tổ chức này đánh giá năng lực tài chính ngày một tăng cao.
Lý giải về hiện tượng này, một chuyên gia về tài chính ngân hàng cho rằng không phải các nhà băng chạy theo “mốt” mà điều này thể hiện một tầm nhìn sáng suốt và hợp lý. Mỗi ngân hàng cần phải có một hồ sơ tốt để trưng ra với khách hàng và các nhà đầu tư, đặc biệt là nước ngoài. Do đó, việc được những tổ chức tín nhiệm độc lập và uy tín đưa ra đánh giá, dù tăng hay giảm bậc, đều cho thấy ngân hàng đó đề cao tính minh bạch - thứ mà nhà đầu tư và khách hàng nào cũng kiếm tìm ở mọi doanh nghiệp.
Ngoài ra, các ngân hàng sau khi được những tổ chức uy tín nâng hạng hay đánh giá cao năng lực tài chính sẽ có cợ hội rất lớn được thị trường nhìn nhận khách quan hơn về mình. Vì hiện nay hầu hết các ngân hàng đều quan trọng chất lượng và quản trị rủi ro hơn lợi nhuận, vì thế mà kết quả kinh doanh đâu đó không được lãi cao như trước. Do đó, thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào lợi nhuận, thị trường có thể sẽ đánh giá đầy đủ và thấu đáo hơn về năng lực tài chính thực sự của họ nếu có thêm ‘lời phê’ của các tổ chức uy tín.
Như gần đây nhất trong quý III, Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm một loạt ngân hàng Việt Nam như Sacombank, ACB, MB, VIB, Techcombank, VPBank do cải thiện về quản trị rủi ro và tín dụng dù bức tranh lợi nhuận chung của ngành ngân hàng vẫn chưa thực sự khởi sắc.
Theo ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), đơn vị duy nhất được nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn từ B3 lên B2 trong đợt công bố vừa rồi của Moody’s, đánh giá này là kết quả của chính sách thận trọng đã kiên định theo đuổi thời gian qua. “Nhờ thế mà sau 3 quý, ngoài việc được Moody’s đánh giá có chỉ số sức mạnh tài chính (BFSR) cao nhất trong 9 ngân hàng lớn, VIB cũng đạt mức lợi nhuận trước thuế đúng theo kế hoạch là 234 tỉ đồng sau nhiều năm duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro cao. Hai thông tin này đến cùng lúc gần như đã giải tỏa hết những nghi ngại của các nhà đầu tư và thị trường”, ông Vũ cho biết.
Không chỉ vậy, chia sẻ với báo chí gần đây, phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam cũng nhìn nhận việc đầu tư cải thiện tín nhiệm là điều kiện không thể thiếu với các nhà băng muốn vươn ra quốc tế. Theo vị chuyên gia này, để có được những thương vụ M&A, bán vốn cho nhà đầu tư ngoại thành công, các ngân hàng không thể không tự làm đẹp mình bằng cách củng cố nội lực.
Dẫu vậy, theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, cùng với việc được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín như Moody’s, Fitch hay S&P nâng hạng, bản thân các ngân hàng Việt vẫn cần tìm cách nâng cao hơn nữa sự tín nhiệm của các khách hàng, của xã hội. “Nhiều sự việc bê bối vừa qua phần nào khiến hình ảnh ngân hàng xấu đi trong mắt người dân nên tôi nghĩ cần xem xét lại tín nhiệm của mình ở trong nước trước”, vị chuyên gia này nói.
Thực tế là nhiều nhà băng đã ý thức được việc này hơn trước đây. Đại diện chi nhánh một ngân hàng cho biết ông vẫn thường xuyên cử cán bộ tín dụng vào tận các chợ để mời tiểu thương vay tiền thay vì có thái độ khó chịu với người tìm đến ngân hàng vay tiền như trước. Một ngân hàng khác có trụ sở ở Hà Nội thậm chí còn mở ra những chi nhánh ngân hàng trên facebook để hỗ trợ khách hàng giao dịch cho tiện lợi.
Nguồn Thanh niên