Nhà băng chần chừ giảm lãi suất cho vay
“Muốn hạ lãi suất, nhưng khó lắm”
Điều khác thường trong đợt cắt giảm lãi suất diễn ra từ đầu tháng 3 này là sự thiếu vắng rất nhiều ông lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV… - những ngân hàng thường đi đầu về cắt giảm lãi suất.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo của một ngân hàng TMCP quốc doanh cho biết: “Chúng tôi cũng muốn hạ lãi suất, nhưng khó lắm. Hiện nay, nguồn vốn của chúng tôi không dư thừa quá nhiều, nếu hạ lãi suất thêm nữa, e rằng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Chắc chắn, chúng tôi sẽ giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn, nhưng phải chờ thêm một thời gian”.
Quả thực, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới ngày 24/2/2015, tăng trưởng huy động vốn của nền kinh tế có dấu hiệu giảm, trong khi tín dụng khởi sắc. Cụ thể, tăng trưởng huy động vốn đến ngày 24/2 chỉ đạt 0,05%, giảm mạnh so với mức tăng cùng kỳ là 0,78%.
Ngược lại, tính đến hết tháng 2/2015, tín dụng tăng hơn 1%, trong khi cùng kỳ giảm tới 1,67%. Đầu ra tăng, đầu vào giảm là nguyên nhân khiến ngân hàng chần chừ giảm cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay.
Ngay cả với các ngân hàng vừa tham gia cắt giảm thêm lãi suất huy động từ đầu tháng 3 này, như
Agribank, Sacombank, Techcombank, Eximbank, DongA Bank… thì việc giảm lãi suất cho vay cũng cần thêm một thời gian nữa.
TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng DongA Bank cho biết, cùng với việc giảm lãi suất cho vay, DongA Bank chắc chắn sẽ cân đối lại vốn để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, độ trễ sớm nhất để giảm lãi vay cũng phải hơn 1 tháng. “Chỉ khi huy động được lượng vốn rẻ mới thì ngân hàng mới có thể cho vay mới với giá rẻ”, TS. Kiêm nói.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho hay, ngân hàng ủng hộ lời hiệu triệu giảm 1-1,5% lãi cho vay trung và dài hạn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhưng ngân hàng cũng có nhiều cái khó. Cụ thể, bên cạnh cho vay, ngân hàng còn cần nguồn vốn lớn để dự phòng, xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, trong năm 2015, một lượng lớn trái phiếu chính phủ sẽ được phát hành, tạo áp lực đáng kể lên lãi suất ngân hàng. Nếu Chính phủ để lãi suất cao hút vốn vào trái phiếu, thì lãi suất ngân hàng chắc chắn sẽ khó giảm thêm.
Đã đến lúc giảm thêm lãi suất điều hành
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, hiện nay, các ngân hàng đã tiết giảm chi phí đến mức tối đa và chênh lệch lãi suất huy động - cho vay đã ở mức rất nhỏ. Vì vậy, để giảm thêm lãi suất cho vay, thì lãi suất điều hành cần phải giảm.
Đầu tháng 3/2015, Ngân hàng HSBC dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm thêm 0,5% lãi suất trên thị trường mở (OMO) do lạm phát diễn biến tích cực. Theo HSBC, việc cắt giảm thêm 0,5% lãi suất, đưa lãi suất OMO về mức 4,5% sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, tạo điều kiện cho tín dụng tăng mạnh hơn.
Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái nào về việc cắt giảm thêm lãi suất điều hành, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện đã có cơ sở để Ngân hàng Nhà nước cân nhắc điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,5% - 1%/năm, đặc biệt là kỳ vọng lạm phát từ nay đến cuối năm chỉ xoay quanh mức 4%, kể cả khi giá dầu phục hồi.
Bản thân các ngân hàng cũng thừa nhận, lãi vay hiện nay tuy đã giảm sâu, song vẫn quá sức so với nhiều doanh nghiệp và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho rằng, mức lãi suất 5 - 6%/năm mới phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp và khi đó, tín dụng mới tăng trưởng được. Tuy nhiên, để giảm lãi suất về mức này, các ngân hàng cần thêm sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, theo các chuyên gia nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước vẫn chần chừ giảm thêm lãi suất điều hành, bởi lạm phát và giá xăng dầu có nguy cơ quay trở lại vào cuối năm.
Nguồn Báo đầu tư