Thứ Hai | 13/01/2014 11:20

Nhà bán lẻ hàng đầu Mỹ Walmart tăng mua hàng Việt

Walmart hiện không có kế hoạch mở cửa hàng ở Việt Nam, nhưng từ cuối 2013, Walmart đã mở một văn phòng tìm nguồn mua tại TP.HCM.

Hàng Việt Nam không thiếu ở Mỹ nhưng lại rất hiếm tại hệ thống siêu thị Walmart. Vì vậy khi thông tin nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ đang thúc đẩy việc mua hàng tại Việt Nam, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả người tiêu dùng Mỹ cũng rất quan tâm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ignacio Lopez - phó chủ tịch phụ trách việc tìm nguồn cung toàn cầu của Walmart - nói:

Ông Ignacio Lopez - Ảnh: CTV
- Walmart không có tổ chức hoạt động bán lẻ tại Việt Nam và hiện nay tôi cũng không có kế hoạch mở cửa hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên từ cuối năm 2013, Walmart đã mở một văn phòng tìm nguồn mua tại TP.HCM, có thể nói sự hiện diện của Walmart chính thức thông qua văn phòng mua này. Văn phòng có khoảng 20 nhân viên và đã thiết lập quan hệ khá tốt với nhiều nhà cung cấp Việt Nam.

Việc mở văn phòng này sẽ giúp quan hệ với các nhà cung cấp, hoạt động mua của Walmart hiệu quả hơn, sâu sát hơn. Có một văn phòng tại thị trường này cũng sẽ cung cấp cho chúng tôi cơ hội để tạo điều kiện tốt hơn trong việc xác định và lựa chọn các nhà cung cấp nhờ theo dõi quá trình sản xuất, đảm bảo sự tuân thủ, an toàn và chất lượng của nhà sản xuất. Hiện nay chúng tôi đang muốn mua tại thị trường Việt Nam hàng may mặc, giày dép, đồ chơi...

* Walmart có gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm nhà cung cấp hàng hóa ở Việt Nam không, thưa ông?

- Trong khi làm việc với các nhà cung cấp, chúng tôi luôn cam kết cùng đồng hành với nhà cung cấp xây dựng năng lực tạo ra sáng tạo và phát triển kinh tế trong cộng đồng. Không chỉ tập trung mua hàng, Walmart còn giúp góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ công nghệ và sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc Walmart cử các chuyên gia và hỗ trợ đào tạo các nhà cung ứng của Việt Nam. Walmart hiện có mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp Việt Nam và chúng tôi đang nhìn vào thuận lợi này để phát triển, tăng lượng mua phục vụ xuất khẩu sang các thị trường bán lẻ của chúng tôi trên toàn thế giới.

Chúng tôi có những câu chuyện thành công từ khắp nơi trên thế giới về các nhà cung cấp đã phát triển tốt với Walmart. Chẳng hạn ở Việt Nam, hơn bốn năm qua chúng tôi đã kiên trì làm việc với bà chủ xưởng thêu Thuận Phương. Kết quả, nhờ sự hỗ trợ trong việc tư vấn bao bì, mẫu mã cùng nhiều yếu tố khác, doanh nghiệp này xuất khẩu thành công sản phẩm qua Mỹ và hiện chúng tôi cũng đang giúp đỡ cơ sở này mở rộng hơn nữa với các doanh nghiệp khác.

* Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thường bị đánh giá yếu trong việc cung ứng một lượng đơn hàng lớn trong thời gian ngắn cũng như đáp ứng tiêu chuẩn mà nhà bán lẻ quốc tế đưa ra?

- Vấn đề quy mô doanh nghiệp không phải là yếu tố quyết định. Ở mọi thị trường, Walmart có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp cả lớn và nhỏ. Là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, chúng tôi cố gắng tác động tích cực đến thực hành chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách nâng cao tiêu chuẩn của riêng mình và cải thiện điều kiện làm việc tại các quốc gia. Chúng tôi hợp tác với các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ để xác minh sản phẩm được sản xuất từ những nhà cung cấp có năng lực, tôn trọng người lao động, không vi phạm pháp luật... Đó mới là yếu tố quan trọng.

* Việt Nam và Mỹ cùng các nước khác đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông, hiệp định này có tác động ra sao đến chính sách mua hàng hóa của Walmart tại thị trường Việt Nam?

- Walmart là người ủng hộ mạnh mẽ đàm phán TPP, hiệp định thương mại toàn diện này sẽ giúp việc tiếp cận thị trường của hàng hóa Việt Nam, các sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng ở nhiều thị trường bán lẻ quan trọng của chúng tôi như Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản hay Chile. Chúng tôi đang xây dựng một chiến lược hợp tác với các nhà cung cấp là nông dân, tổ chức kinh tế để đẩy nhanh và thuận lợi việc mua hàng ở Việt Nam nhờ TPP.

* Những mặt hàng Walmart đang thúc đẩy mua là gì?

- Ở Việt Nam hiện nay chúng tôi chỉ mới mua quần áo, đồ gỗ, nhóm hàng thực phẩm còn ít. Walmart đang nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn các nhà cung cấp cho hàng may mặc, giày dép và đặc biệt là thực phẩm như cá tra, tôm, hạt điều rang, cà phê cho các cửa hàng quốc tế của chúng tôi.

* Làm thế nào để trở thành nhà cung cấp cho Walmart?

- Tất cả nhà cung cấp phải chấp nhận các tiêu chuẩn của Walmart, trong đó xác định các yêu cầu an toàn thực phẩm như an toàn vệ sinh ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào, an ninh chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh gồm chính sách với người lao động, bảo vệ môi trường. Để biết thêm thông tin về việc trở thành một nhà cung cấp cho Walmart, có thể truy cập http://corporate.walmart.com/suppliers/.

Doanh thu mỗi ngày 1 tỉ USD

Walmart được xem là nhà bán lẻ không chỉ lớn nhất nước Mỹ mà còn trên thế giới. Tính đến nay Walmart đã có 11.137 cửa hàng, siêu thị dưới 69 cái tên khác nhau tại 27 quốc gia trên thế giới, với 2,2 triệu lao động (tính đến năm 2013). Doanh số năm 2013 đạt 469 tỉ USD, trong đó 40% đến từ mặt hàng thực phẩm như gạo, rau xanh, trái cây, thủy sản, thực phẩm chế biến, thực phẩm đóng hộp, thức ăn cho thú nuôi...

Uớc tính trung bình mỗi ngày doanh thu hệ thống này hơn 1 tỉ USD.

Phải chứng minh năng lực sản xuất

Theo các doanh nghiệp, để tham gia trở thành nhà cung ứng cho Walmart, trước tiên doanh nghiệp cần phải biết các hồ sơ giao dịch hoàn toàn bằng tiếng Anh. Quá trình đàm phán sẽ phải tốn nhiều thời gian vì Walmart luôn nổi tiếng là “ép giá rẻ” nhưng chỉ cần bán được hàng cho Walmart, một công ty Việt Nam có thể tiếp cận được toàn bộ thị trường Mỹ. Từ cuộc gặp đầu tiên đến đơn đặt hàng đầu tiên có thể mất sáu tháng. Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là khó sản xuất số lượng sản phẩm theo đơn đặt hàng lớn trong thời gian ngắn. Dù nhà bán lẻ không tiết lộ về giá trị đơn hàng tối thiểu nhưng theo tìm hiểu, giá trị một đơn hàng tối thiểu của Walmart trị giá khoảng 200.000 USD.

Nguồn Tuoitre.vn


Sự kiện