Thứ Hai | 19/12/2016 12:30

Nguyễn Kim quay lại đường đua

Nguyễn Kim đang có bước tấn công mạnh mẽ ra thị trường nhất kể từ khi Central Group nắm giữ 49% cổ phần.

Sau gần 2 năm im ắng, mới đây Nguyễn Kim đã bất ngờ công bố khai trương đồng loạt 14 trung tâm điện máy. Trong chuỗi cửa hàng mới đưa vào hoạt động, có đến 6 trung tâm quy mô từ 1.500-2.500m2. Riêng 8 trung tâm còn lại của Nguyễn kim có diện tích nhỏ hơn, khoảng 300m2, nằm trong hệ thống siêu thị Big C của Central Group.

Như vậy, kể từ khi Central Group nắm giữ 49% cổ phần tại Công ty Thương mại Nguyễn Kim (tháng 1.2015), đây là bước tấn công mạnh mẽ nhất của Nguyễn Kim ra thị trường, không chỉ thể hiện ở số lượng cửa hàng, quy mô đa dạng mà còn ở phạm vi hoạt động rộng khắp, vươn ra tận Vĩnh Long, Phan Thiết, Thanh Hóa. Đáng chú ý, theo thông tin của Công ty, các trung tâm Nguyễn Kim ở Big C sẽ được tổ chức theo mô hình shop-in-shop (kinh doanh tích hợp ITC và sản phẩm điện máy tại các trung tâm thương mại). Đây là mô hình không giống với hình thức trung tâm điện máy mà các cửa hàng Nguyễn Kim đã từng hoạt động.

Trước đó, Nguyễn Kim cũng đã có một số động thái như thay đổi tổng giám đốc là người của Central Group, cùng với Central Group nhận chuyển nhượng cổ phần ở Big C Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino (Pháp). Nguyễn Kim và Central Group cũng mua lại trang web thương mại điện tử về thời trang Zalora từ Rocket Internet (Đức). Đặc biệt, để dọn đường cho Nguyễn Kim có mặt tại Big C, phía Big C đã tiễn chân vị khách thuê là Thế Giới Di Động. Các thông tin này không được Nguyễn Kim đề cập nhiều.

Kể từ Central Group đặt chân vào Nguyễn Kim, doanh nghiệp này có được lợi thế hơn hẳn nhiều đối thủ nhờ “dựa hơi” người chủ mới. Central Group không chỉ là tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan, sở hữu hàng loạt trung tâm mua sắm như Central, Robinson, Zen, La Rinascente mà còn mạnh trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn, nhà hàng. Ở Việt Nam, Central Group sở hữu hàng trăm trung tâm trên khắp cả nước, từ trung tâm thương mại, cửa hàng thể thao, cửa hàng thời trang, khách sạn, website thương mại điện tử cho đến nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh, cửa hàng tiện lợi. Tập đoàn này còn có tham vọng mỗi năm mở thêm 12-15 siêu thị mới ở Việt Nam và ước chi 30 triệu USD vào việc nâng cấp mở rộng hoạt động bán lẻ tại 13 siêu thị Big C từ đây đến năm 2021.

Với sự hỗ trợ từ Central Group, Nguyễn Kim được cho rằng sẽ sớm lấy lại phong độ. Nguyễn Kim từng ở thời kỳ đỉnh cao khi doanh thu đạt trên 400 triệu USD vào năm 2011. Sau đó, dù có những biến động và thoái trào, nhưng Nguyễn Kim vẫn duy trì được tăng trưởng doanh thu 30%/năm và vẫn có lãi. Hiện tại, tuy Nguyễn Kim đã khá kín kẽ về các con số thị phần, doanh thu nhưng thị trường tin rằng, Nguyễn Kim vẫn ở ngôi vị dẫn đầu.

Đối với “tân binh” Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động, 2 năm qua là bước thâm nhập thị trường cực kỳ ấn tượng. Kể từ khi chính thức đổi tên dienmay.com sang Điện Máy Xanh (tháng 5.2015), Công ty đã tăng tốc cả về quy mô, nhận diện thương hiệu lẫn các hoạt động kinh doanh. Tính đến nay, sau 6 năm, Điện Máy Xanh đã sở hữu mạng lưới cửa hàng lớn nhất với 173 cửa hàng. Trong đó, 60% được mở ra trong 10 tháng đầu năm 2016. Vì thế, so với các mảng khác của Thế Giới Di Động, chuỗi Điện Máy Xanh đạt tăng trưởng doanh thu mạnh nhất, tăng 207% so với 10 tháng năm ngoái. Điện Máy Xanh cũng đã thu hẹp khoảng cách và năm 2015, chỉ đứng sau Nguyễn Kim về thị phần.

Tuy nhiên, khác với Nguyễn Kim hay Trần Anh thường mở những trung tâm điện máy lớn, mô hình Điện Máy Xanh theo đuổi là các siêu thị mini. Vì thế, chi phí đầu tư cho một cửa hàng của Điện Máy Xanh thấp, chỉ vài tỉ đồng. Địa bàn của Điện Máy Xanh cũng chủ yếu ở vùng đô thị mới, đô thị loại 2. Theo Công ty Chứng khoán MBS, cách thức trên giúp chuỗi cửa hàng này dễ dàng tìm được mặt bằng, linh hoạt trong việc gia tăng độ phủ, gần với người tiêu dùng ngoại ô. Chính vì tính thực tế và hiệu quả mà mô hình siêu thị mini ở Điện Máy Xanh đã được một số nhà bán lẻ khác học hỏi. Một ví dụ là vài cửa hàng vừa mới khai trương của MediaMart cũng chỉ có diện tích từ 700-1.500m2. Hay Thiên Hòa cũng đã mở cửa hàng điện máy nhỏ tại Nguyễn Thị Thập, quận 7, TP.HCM.

Trước động thái này, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết, Công ty vẫn không lo ngại. “Mối quan tâm của Thế Giới Di Động không phải là đối thủ làm gì mà là làm sao chinh phục khách hàng, để nhiều người biết và chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Điện Máy Xanh”. Đây cũng là lý do Thế Giới Di Động sẵn sàng chi ra hàng trăm tỉ đồng cho quảng cáo tiếp thị và sẽ còn chi mạnh hơn vào năm sau nhằm củng cố chỗ đứng của Điện Máy Xanh.

Có thể thấy, các hãng điện máy đang chạy đua để tạo ra sự khác biệt, tạo những giá trị, tiện ích vượt trội nhằm thu hút khách hàng. Cũng là marketing nhưng Trần Anh có cách làm khác với Điện Máy Xanh là dùng chi phí để giảm giá, tặng quà cho khách hàng. Theo lý giải của đại diện Trần Anh, cách thức này đem lại lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng. Ngoài ra, Trần Anh đang tạo khác biệt bằng phong cách Nhật, bằng việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích như khu vui chơi dành cho trẻ em, khu trải nghiệm sản phẩm, khu đậu xe rộng rãi… Thị trường mà Trần Anh muốn đạt độ phủ rộng khắp là ở miền Bắc và miền Trung. Hướng đi này có thể giúp Trần Anh tránh được các cuộc đụng độ trực tiếp với đối thủ.

Vấn đề sống còn trong ngành bán lẻ điện máy còn được nhìn ở khả năng mở rộng chuỗi cửa hàng. Ai nhanh chân hơn trong tìm kiếm mặt bằng sẽ là người chiến thắng. Bởi khả năng mở rộng chuỗi siêu thị sẽ giúp các công ty gia tăng thị phần, tăng tốc doanh số, có lợi thế trong đàm phán giá và mức độ hỗ trợ với nhà sản xuất cũng như cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, trong ngành bán lẻ, cần nhiều chi phí và yêu cầu quản lý phức tạp, khả năng vận hành trôi chảy hệ thống bán lẻ, khả năng tổ chức kho bãi, vận chuyển, dịch vụ.... theo hướng tiết giảm chi phí. Điều này rất quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa các công ty bán lẻ điện máy.

Đây là những áp lực không phải hãng bán lẻ điện máy nào cũng gồng gánh được. Chính vì thế, thị trường điện máy đã chứng kiến cái chết của nhiều đơn vị như Wonderbuy, Best Carings, HomeOne, TopCare… Điện máy lại là ngành có tính chất phân tán, với hơn 50% thị phần nằm trong tay các cửa hàng điện máy nhỏ lẻ truyền thống. Vì thế, theo Công ty Chứng khoán MBS, muốn mở rộng thị phần, các doanh nghiệp phải khai thác thị phần từ tay các cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Dù vậy, như nhận định của lãnh đạo Công ty HC, thị trường điện máy không bao giờ tăng trưởng thấp hơn 2 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do đó, khi nền kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng từ 6-7%, sức mua ở thị trường điện máy vẫn sẽ dao động quanh mức 20% cho 5 năm tới. Đặc biệt, theo hãng nghiên cứu GfK, giá trị thị trường toàn ngành điện máy ước khoảng 800 triệu USD/năm. Một khi đạt được sự khác biệt, tổ chức mô hình phù hợp, được khách hàng chọn lựa, các công ty bán lẻ điện máy vẫn có thể tìm thấy cơ hội phát triển trong một thị trường điện máy có tốc độ tăng trưởng nhanh này.

Viết Nguyên