Dũng Nguyễn Thứ Sáu | 27/04/2018 13:26

Nguyên CEO NamABank ứng cử vào thành viên HĐQT Eximbank

Việc đưa bà Tú vào danh sách ứng cử HĐQT đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Eximbank cho biết.

Theo dự thảo nghị quyết tờ trình bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) được công bố trước khi đại hội diễn ra 1 ngày (ngày 26/4), bà Lương Thị Cẩm Tú được đưa vào danh sách ứng cử thành viên HĐQT của Eximbank, được bầu trong đại hội cổ đông diễn ra vào sáng nay.

Trước đó, ngày 20/3 2018, HĐQT Eximbank dự kiến thông qua 4 nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT. Tuy nhiên, đến ngày 26/4, ngân hàng đã nhận được 3 đơn đề nghị rút lui của 3 ứng cử viên. Nghị quyết đại hội cổ đông bất thường năm 2015 ngày 15//12/2015 thông qua số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI là 11 thành viên, trong đó tối thiểu là 1 thành viên HĐQT độc lập.

Bà Tú giữ vai trò CEO tại Nam A Bank từ năm tháng 4/2015 và rút lui vào đầu tháng 3 vừa qua. Bà Tú được biết đến là CEO trẻ nhất ngành ngân hàng khi ngồi chiếc ghế Tổng giám đốc của một ngân hàng lúc chỉ 36 tuổi, từng trải qua các vị trí lãnh đạo chủ chốt và là "hạt giống" của Sacombank dưới thời ông Đặng Văn Thành, là phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Khánh Hòa và đặc biệt có hơn 17 năm làm ngành ngân hàng. Hiện tại, ông Trần Ngọc Tâm, giữ chức Tổng Giám đốc Nam A Bank. Trước đó, vào k đại hội cổ đông bất thường vào cuối năm 2015, ông Tâm cũng có tên trong danh sách ứng cử thành viên HĐQT của Eximbank nhưng không thành công.

Năm 2017 đến nay, mặt bằng lãi suất đang trên đà đi xuống. Về nợ xấu của Eximbank đang cần phải thu hồi chiếm đến 2%. Với nợ xấu tồn đọng vậy thì khả năng sinh lời cực thấp. Ngân hàng cũng cơ cấu lại tài sản để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 50%. Thời gian qua ngân hàng phải thu hồi 7.000 tỷ đồng bắt buộc thì khi cho vay lại từ khoản này  chắc chắn là NIM sẽ rất thấp.

Trong 3 tháng đầu năm, Eximbank đạt 720 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro, ngân hàng trích dự phòng rủi ro 160 tỷ đồng, còn 560 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau dự phòng. Trong đó, nguồn thu từ lãi thoái vốn khỏi ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là 647 tỷ đồng được Eximbank trích tới 521 tỷ đồng phân bổ vào lợi nhuận quý I/2018, tương ứng 93% lợi nhuận của quý này.

Eximbank đã tiến hành thoái vốn đối với khoản đầu tư cổ phiếu STB từ 29/11/2017 đến 19/01/2018 theo phương thức khớp lệnh trực tiếp trên HOSE. Giá bán bình quân là 14.064 đồng/cổ phiếu. Thu nhập thoái vốn đối với khoản đầu tư này đóng góp vào lợi nhuận kinh doanh là 647 tỷ đồng, trong đó năm 2017 ghi nhận đóng góp vào lợi nhuận là 126 tỷ đồng và quý I/2018 là 521 tỷ đồng. Như vậy, việc thoái vốn khỏi Sacombank cũng đã đóng góp vào 12% lợi nhuận của Eximbank năm 2017 khi lợi nhuận cả năm của Eximbank đạt 1.018 tỷ đồng.

Hiện tại, HĐQT Eximbank chưa bàn bạc về vấn đề cổ tức, nhưng nếu năm 2018 hoàn thành tốt thì ngân hàng có thể nghĩ đến điều này và xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước để chia cổ tức cho cổ đông.

Cơ cấu cổ đông của Eximbank theo danh sách công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật là lớn nhất với 15% vốn điều lệ, tiếp đến là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với gần 8,2% vốn và quỹ VoF Investment Limited sở hữu 4,97%.