Nguy cơ tan rã Đồng bằng sông Cửu Long
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết nghiên cứu của ĐH Quốc gia Singapore (National University of Singapore) về tác động của đập thủy điện Mạn Loan (Manwan, Trung Quốc) lên lượng phù sa đổ về ĐBSCL cho thấy trước khi có con đập này, lượng phù sa về ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn/năm.
Sau khi con đập được đưa vào hoạt động, con số này chỉ còn 75 triệu tấn. Như vậy, chỉ với một con đập Trung Quốc tạo ra, lượng phù sa đã giảm đi một nửa. Theo tính toán, con số này sẽ tiếp tục giảm thêm 1/2 nữa, chỉ còn khoảng 42 triệu tấn, nếu các đập trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động.
Phù sa mất, nước biển dâng
Gắn bó cả đời với vùng đất An Giang - thượng nguồn sông Cửu Long, ở cả góc độ một người nông dân và lãnh đạo tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, tâm sự: “Người ta nói đập Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến ĐBSCL. Nhưng rồi thực tế chứng minh ngược lại. Cứ coi sự thay đổi của con nước là thấy rõ ngay. Theo quy luật, trước đây cứ đến mùng 5.5 âm lịch nước bắt đầu chuyển màu, đục ngầu, gọi là con nước quay. Đây là hiện tượng nước ngoài biển dâng lên do triều cường ở Biển Đông kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về. Nay đã là mùng 10.5 âm lịch, lẽ ra nước phải xuống tới An Giang cả tuần rồi. Nhưng giờ đây phù sa bị chặn lại hết nên nước sông vẫn còn trong vắt. Độ đục trong nước so với trước chỉ còn con số 0. Không biết tới mùa nước nổi về, nước còn đục được hay không nữa. Sự bất thường của dòng Mê Kông hiện nay nằm ở chỗ đó”.
Đồng sen ở Tháp Mười, nơi theo quy luật ngập sâu từ 1,2 - 1,5 m vào mùa nước nổi, nay phải bơm nước vào để canh tác. Ảnh: Chí Nhân |
Còn ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL, nói quá trình kiến tạo ĐBSCL diễn ra từ 6.000 năm trước nhưng sự mất cân bằng phù sa hiện nay sẽ làm đảo ngược quá trình kiến tạo đó và dẫn đến nguy cơ tan rã đồng bằng.
Không chỉ các chuyên gia, những người dân các tỉnh ven Biển Đông ở vùng châu thổ cũng cảm nhận một cách hết sức rõ ràng rằng mực nước biển càng ngày càng cao. Anh Trần Mạnh Tính, ở ấp 15, xã Vĩnh Hậu A (Hòa Bình, Bạc Liêu), cho biết năm rồi con nước cao nhất vào ngày 30.10 âm lịch cao hơn trung bình các năm trước khoảng 10 cm. Còn tính trung bình 10 năm qua, nước dâng lên chừng 40 cm. Cán bộ địa phương và lực lượng kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu cũng có cùng nhận xét này. Ở nơi tận cùng Tổ quốc, chị Lê Kim Nhân (ấp Bà Hương, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) nói: “Tôi nhớ rất rõ vào đêm giao thừa dịp tết vừa rồi nước đã tràn lên tận sân trước nhà. Đó là con nước cao nhất từ trước tới nay. Trước đây, lúc nước cao nhất nó cũng thấp hơn cái sân này hơn 10 cm”.
Theo ông Thiện, số liệu đo đạc thực tế từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy mực nước biển dâng bình quân mỗi năm khoảng 3 mm. TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), bổ sung: So với cảnh báo toàn cầu thì biển phía đông của Philippines và Biển Đông của VN đang là nơi có tốc độ nước biển dâng nhanh nhất, gây nguy cơ ngập tăng. Đây là hậu quả biến đổi khí hậu lâu dài do tự nhiên và hoạt động nhân sinh.
“Đối chiếu lại với lịch sử kiến tạo nên ĐBSCL thì những gì đang diễn ra có hướng bất lợi hơn cho sự tồn tại và phát triển của châu thổ”, TS Thuyên nhận định.
Sự khác biệt giữa số liệu đo đạc của các nhà khoa học và cảm nhận từ thực tế của người dân được các chuyên gia giải thích: Mặt đất thấp đi có nguyên nhân do phù sa bồi đắp ngày càng ít và sụt lún không đều nhau trên toàn khu vực. Sự sụt lún ở các khu vực khác nhau do các hoạt động nhân sinh như: khai thác nước ngầm quá mức, đô thị hóa, các công trình lớn tập trung ở vùng ven sông biển ngày càng nhiều...
Biểu đồ về sự sụt giảm lượng phù sa trong nước sông Mê Kông. Nguồn: TS Lê Anh Tuấn |
Tan rã trong vài trăm năm
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, hiện nay Lào đã xây đập thủy điện Xayaburi được 70%, còn đập Don Sahong đang chuẩn bị ráo riết để khởi công. Khi các con đập này đi vào hoạt động, tình trạng mất cân bằng phù sa ngày càng tăng, nguy cơ tan rã ĐBSCL ngày càng lớn và quá trình này có thể chỉ mất vài trăm năm so với quá trình kiến tạo hàng ngàn năm. Nhưng đó vẫn là câu chuyện của tương lai. Còn thực tế, phù sa giảm sẽ làm ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng tự nhiên cung cấp cho đất.
Ở ĐBSCL, cây lúa là cây trồng chính. Các nghiên cứu cho thấy, cây lúa cần đến 16 loại dinh dưỡng khác nhau trong khi phân bón chỉ có vài ba loại, nên không thể nào thay thế được vai trò của phù sa. Thực tế sản xuất lúa ở trong và ngoài đê bao đã chứng minh điều này.
TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, khẳng định: “Khi nói đến thủy điện người ta thường nói nhiều về số lượng nước mà ít nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng nước. Chất lượng nước thể hiện qua lượng phù sa có trong đó. Lượng phù sa này sẽ bị các đập thủy điện ngăn lại gần như vĩnh viễn. Không có phù sa, đồng bằng chết chắc”.
TS Lê Xuân Thuyên cũng lo lắng: “Với những gì đang diễn ra, xu hướng tan rã vùng châu thổ Mê Kông về lâu dài là chắc chắn và không thể tránh khỏi. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là hành động của chúng ta có làm thúc đẩy ngày đó đến sớm hay muộn hơn hay không hoặc có thể cố giữ được một phần đất nào đó? Đây không chỉ là mối lo chung của VN chúng ta, mà còn là vấn đề chung trên các châu thổ khác”.
Ông Thuyên dẫn chứng châu thổ Mississippi (khu vực Bắc Mỹ) đã gặp phải vấn đề này từ 40 năm trước. Từ đó đến nay, họ đổ nhiều tỉ USD để xây dựng đê, đập, mở đê cho nước vào lấy bùn cát, phù sa nhằm duy trì quá trình bồi đắp tự nhiên.
Tác động xấu từ con người Theo TS Lê Xuân Thuyên, không chỉ thiếu phù sa khiến vùng châu thổ ĐBSCL không được tiếp tục bồi đắp mà ngay chính chúng ta cũng làm thay đổi sự phân bố phù sa lên đồng ruộng theo tiến trình tự nhiên vốn có trước đây, qua việc tập trung kiểm soát ngập vào mùa nước nổi. Đó là chưa kể các tác động nạo vét, bồi đắp công trình ven biển làm thay đổi cục bộ chế độ hải văn. Hậu quả là môi trường biển bất ổn hơn khi mà sự kết hợp các tác động như thủy triều, sóng, gió... trở nên thường xuyên hơn. |
Nguồn Thanh niên