Ảnh: TL.
Nguy cơ quá tải nguồn cung khách sạn tại Việt Nam
Sự vắng mặt của khách quốc tế khiến phần lớn khách sạn tại Việt Nam đang có công suất hoạt động dưới mức có lời. Trong khi đó, một lượng lớn nguồn cung sẽ gia nhập thị trường trong vài năm tới.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong 5 năm qua số lượng cơ sở lưu trú của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, từ hơn 17.422 cơ sở với khoảng 370.907 buồng (năm 2017) lên khoảng 38.000 cơ sở với 780.000 buồng (năm 2021). Năm 2019 số lượng du khách đạt mức kỷ lục nhưng công suất buồng bình quân cả nước nhưng cũng chỉ đạt 52%. Đến năm 2021, công suất này là 5%.
Theo số liệu của Savills Hotels, tính đến cuối tháng 3/2022, công suất phòng tại thị trường Việt Nam vẫn dưới mức 20%; giá phòng bình quân vẫn thấp hơn năm 2019 gần 20%. Mặc dù du lịch đang phục hồi, tuy nhiên, mức tăng trưởng số lượng du khách có thể không bù được cho số lượng phòng sắp đưa vào thị trường. Số lượng dự án tại Việt Nam mang thương hiệu khách sạn của nhà điều hành quốc tế và khu vực dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới, từ 127 lên 261 dự án vào năm 2025.
Bà Uyên Nguyễn – Trưởng bộ phận Tư vấn, Savills Hotels nhận định: "Từ nay đến 2024, Savills Hotels ước tính chỉ riêng khu vực Cam Ranh dự kiến ghi nhận thêm 8.300 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp, tăng 154% so với nguồn cung hiện tại, trong khi đó khu vực Hồ Tràm – Long Hải cũng sẽ đón nhận thêm khoảng 4.100 phòng, tăng 132% so với hiện tại. Với tốc độ này, nếu nguồn cầu không kịp khôi phục và phát triển thì có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tại một vài địa điểm, qua đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động kinh doanh của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước".
Nhiều người trong ngành khách sạn cũng lo ngại tình trạng quá tải nguồn cung có thể xảy ra dẫn tới cạnh tranh về giá, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, cuối cùng là việc thu hút sai đối tượng du khách tới Việt Nam. Không những thế, nếu không có các quy định, quy chế và kiểm soát từ phía chính quyền địa phương, dễ dẫn tới các tác động tiêu cực tới môi trường.
Bà Uyên Nguyễn cho rằng, tuy lượng nguồn cung phòng tương lai dồi dào nhưng Việt Nam vẫn cần nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trải nghiệm của thế hệ tiêu dùng hiện nay như các khu nghỉ dưỡng siêu cao cấp đúng nghĩa, các resort chú trọng yếu tố trị liệu chăm sóc sức khỏe, phát triển bền vững cũng như các khách sạn tầm trung đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Có thể bạn quan tâm: