Nguy cơ nợ xấu từ thẻ tín dụng
Rút về ngưỡng an toàn
Cuối tháng 7, Sacombank gửi thông báo đến khách hàng điều chỉnh nội dung điều khoản và điều kiện phát hành, sử dụng thẻ thanh toán. Nội dung thay đổi quan trọng nhất là hạn mức rút tiền mặt chỉ còn 50% so với hạn mức chi tiêu tối đa của chủ thẻ, giảm một nửa so với hạn mức cũ. Một số điều khoản khác như thông báo mất thẻ, mở thẻ phụ… cũng được điều chỉnh.
Nhiều NH khác cũng quy định lại khá chặt hạn mức rút tiền mặt. Thẻ tín dụng của Techcombank được cài đặt để số lượng tiền rút ra không quá 50% hạn mức và không quá 7,5-15 triệu đồng/tháng. VietinBank chỉ mở thẻ khi khách hàng có tài sản thế chấp hoặc có tài khoản lương ở VietinBank…
Lãnh đạo một NH phân tích đây là động thái mới trong nghiệp vụ cho vay qua thẻ vì nhiều năm trước, các NH đều rầm rộ khuyến mãi để thu hút khách hàng cá nhân mở thẻ tín dụng nhằm bù đắp cho mảng thẻ ATM vốn đem lại ít lợi nhuận. Với biên lợi nhuận từ dịch vụ cho vay qua thẻ rất cao, nghiệp vụ này từng là lối thoát cho các NH trong thời kỳ tín dụng bị thắt chặt, khó tăng lãi suất.
Ngoài các loại phí đánh vào người tiêu dùng như phí thường niên khoảng 299.000 - 350.000 đồng/thẻ/năm (tùy loại), chủ thẻ phải trả nhiều loại phí khác như phí truy vấn hạn mức, phí cấp lại mã pin, phí quản lý tài khoản… và các loại phí "dùng đâu trả đấy" như phí thông báo thất lạc, phí cấp bảng sao kê, phí quản lý chuyển đổi ngoại tệ (nếu thanh toán bằng ngoại tệ)…
Phần lợi nhuận lớn đem lại cho NH cung cấp dịch vụ chính là lãi suất. Lãi suất tiết kiệm hiện nay là 7% nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng qua thẻ có NH lên đến 2,15%/tháng, tính theo năm là 25,8%/năm. Ngoài ra, phí trả chậm có NH đang áp dụng 6% trên số tiền thanh toán tối thiểu nhưng mức thu tối thiểu cho mỗi lần trả chậm là 80.000 đồng...
Phí cao, lãi cao, rủi ro lớn
Phí cao, lãi cao nhưng rủi ro từ cho vay qua thẻ cũng rất lớn vì đây là loại hình cho vay tín chấp. Khách hàng chỉ cần nộp hồ sơ gồm bản photo hợp đồng lao động, CMND, sổ hộ khẩu, sao kê bảng lương 3 tháng gần nhất là được cấp thẻ sau 5-7 ngày với hạn mức tùy theo thu nhập hằng tháng.
Nhiều NH quy định mức thu nhập tối thiểu để được trở thành chủ thẻ tiêu dùng là 7 triệu đồng/tháng với hạn mức chi tiêu 20 triệu đồng/tháng nhưng cũng có NH chỉ cần mức sàn thu nhập 5 triệu đồng/tháng là được mở thẻ. Mỗi khách hàng có thể sở hữu nhiều loại thẻ khác nhau tại cùng một NH và tất nhiên có quyền đồng thời mở thẻ ở NH khác. Hạn mức thẻ Plamium có thể lên đến tiền tỉ với các ưu đãi bậc nhất trong quá trình chi tiêu bằng thẻ…
Dễ vay thì khách cũng dễ "bùng" vì không phải có tài sản thế chấp. TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết gần đây đã có một số NH lên tiếng về hiện tượng khách hàng rút tiền mặt từ tài khoản thẻ tín dụng gia tăng.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, điều kiện vay vốn NH đang siết chặt, khách hàng bế tắc buộc phải đi vòng qua kênh này để xoay bằng được tiền mặt chi trả khoản thanh toán đến hạn, bất chấp rủi ro từ lãi suất "cắt cổ". Khi khách hàng "nhắm mắt" vay bằng mọi giá thì chắc chắn khả năng thu hồi vốn sẽ khó khăn, nợ xấu khó xử lý vì không có tài sản thế chấp.
Mặc dù không công bố nhưng có NH cho biết nợ xấu từ thẻ tín dụng gần đây đã tăng gấp đôi do thu nhập của chủ thẻ giảm hoặc những khó khăn về tài chính cá nhân khiến khoản nợ "tiêu trước trả sau" trở thành gánh nặng. Nhiều trường hợp NH buộc phải thương lượng để thu hồi vốn tối đa trong khả năng chi trả của khách hàng, tránh kiện ra tòa vì món nợ không lớn.
Nguy cơ từ việc sang nhượng thẻ |
Nguồn Người lao động