Thứ Tư | 14/01/2015 09:09

Nguy cơ “lách” Thông tư 36

Giới hạn cấp vốn của ngân hàng cho đầu tư cổ phiếu có thể bị “lách” nếu ngân hàng và CTCK bắt tay hợp tác.

CTCK huy động vốn trái phiếu

Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định, tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, thay vì tỷ lệ 20% đang áp dụng (dành cho chứng khoán nói chung, trong đó có cổ phiếu, trái phiếu). Ngoài ra, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư cổ phiếu khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Theo thống kê của CTCK MB (MBS), 5% vốn điều lệ của các ngân hàng đủ tiêu chuẩn nợ xấu dưới 3%, không bao gồm nhóm các ngân hàng nước ngoài không cho vay đầu tư cổ phiếu, là 13.108 tỷ đồng. Con số này lớn hơn nhiều khoản vay nợ ngân hàng của nhóm 20 CTCK niêm yết là 8.900 tỷ đồng.

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho thấy, lượng margin đến cuối tháng 10/2014 là trên 17.000 tỷ đồng. MBS đánh giá, ngay cả tính theo Thông tư 36 thì các CTCK cũng chưa dùng hết lượng vốn vay margin cho phép. Bởi ngoài lượng vốn tín dụng từ ngân hàng, các CTCK còn dùng lượng vốn tự có để cấp margin cho NĐT.

Tuy nhiên, thống kê của UBCK chỉ tính khoản vay ngân hàng của các CTCK, chưa tính tới lượng vốn ngân hàng cho vay đầu tư cổ phiếu mà đối tượng vay là các tổ chức, cá nhân, các trung gian tài chính khác. Tổng số margin là bao nhiêu, hiện không tổ chức nào - UBCK hay NHNN cung cấp.

Thực tế, sau khi Thông tư 36 được ban hành ngày 21/11/2014, một số CTCK đã và đang triển khai phát hành trái phiếu DN nhằm huy động vốn cho hoạt động kinh doanh, cũng như đáp ứng nhu cầu giao dịch ký quỹ (margin) của NĐT.

Cụ thể, CTCK Vietcombank (VCBS) phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, CTCK Tân Việt (TVSI) phát hành 184 tỷ đồng trái phiếu. Cả hai loại trái phiếu được giới thiệu như một kênh đầu tư an toàn và lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng từ 2 - 3,5%/năm. Trái phiếu VCBS còn được cầm cố tại Vietcombank trong trường hợp NĐT cần tiền mặt đầu tư vào cổ phiếu khi cần, trong khi Vietcombank không được cấp tín dụng cho VCBS đầu tư, cho vay đầu tư cổ phiếu. Trong năm 2015 này, VCBS có ý định phát hành thêm 500 - 600 tỷ đồng trái phiếu.

Một CTCK trong Top 10 thị phần, có trụ sở tại TP. HCM, đang huy động một số khách hàng lớn mua trái phiếu với khả năng được cầm cố tại ngân hàng mẹ, tương tự như trường hợp của VCBS.

Tại MBS’s Talk 7 tổ chức cuối tuần trước, ông Dương Văn Chung, Giám đốc khối Môi giới MBS cho biết, Công ty có kế hoạch phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu để cấp vốn hoạt động margin khi cần.

Tại sao các CTCK lại cần nhiều vốn cho vay margin? Bởi vì ba hoạt động gồm môi giới, tự doanh và hoạt động khác mang lại doanh thu (khoảng 90%) và lợi nhuận nhiều nhất cho các CTCK. Trong đó, hoạt động khác chủ yếu là hoạt động cấp margin.

Margin và môi giới có mối liên quan khá chặt chẽ. Ngoại trừ CTCK Bản Việt, các CTCK thuộc Top đầu về thị phần môi giới trên hai Sở GDCK thường có các khoản phải thu giao dịch ký quỹ của khách hàng ở mức cao. Nhiều thời điểm trong năm 2014, một CTCK lớn có trụ sở ở TP. HCM buộc phải ngừng cấp margin cho khách hàng khi không còn vốn cho vay, điều này khiến các NĐT, đặc biệt là NĐT “VIP” không hài lòng.

Việc CTCK phát hành trái phiếu huy động vốn cho dịch vụ margin do nhu cầu margin tăng khi TTCK sôi động trở lại, hay các công ty sớm biết sự ra đời của Thông tư 36 nên có sự chuẩn bị trước? Lãnh đạo một CTCK cho rằng, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, không liên quan tới Thông tư 36.

Liên quan đến trái phiếu của các CTCK, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nên tính tới việc niêm yết trái phiếu trên sàn giao dịch. Việc niêm yết trái phiếu trên HOSE có số điều kiện như phát hành cho hơn 100 NĐT, vốn điều lệ 120 tỷ đồng, 2 năm kinh doanh có lãi. Niêm yết trên HNX, điều kiện dễ dàng hơn, đơn vị phát hành chỉ cần có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng và kinh doanh có lãi 1 năm.

Nguy cơ lách luật

Cho vay đầu tư cổ phiếu là một trong những hoạt động tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng trong thời gian tới, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ không được phép cho vay đầu tư cổ phiếu. Có ý kiến cho rằng, các ngân hàng này cũng như các ngân hàng muốn cho vay vượt 5% vốn điều lệ hay các ngân hàng mẹ muốn cấp tín dụng cho CTCK con có thể nghĩ cách “lách” Thông tư 36. Mặc dù Thông tư 36 quy định các tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát, nhưng thực tế có nhiều cách lách qua đơn vị trung gian để dòng chảy vốn thông suốt khi cần.      

Theo TS. Quách Mạnh Hào, ở các thị trường phát triển, quy mô thị trường trái phiếu lớn gấp 2 - 3 lần quy mô thị trường cổ phiếu. Thị trường trái phiếu Việt Nam thường được biết đến với trái phiếu chính phủ là sân chơi của các các ngân hàng thương mại. Trái phiếu DN chủ yếu được phát hành bởi các DNNN hay các DN lớn như Vingroup, Masan, Hoàng Anh Gia Lai… cho các định chế tài chính. Một số DN, chủ yếu là DN bất động sản, phát hành trái phiếu như một hình thức hợp thức hóa các khoản vay quá hạn. Trái phiếu DN phát hành để huy động vốn từ NĐT cá nhân vẫn còn khá xa lạ. Tuy nhiên, hình thức trái phiếu này bắt đầu sôi động hơn khi có sự tham gia của các CTCK.

Nguồn Đầu tư chứng khoán