Thứ Sáu | 20/09/2013 12:52

Nguy cơ độc quyền trên thị trường gas

Chiếm 70% thị phần, PV Gas đang khiến nhiều doanh nghiệp khác lo lắng về chuyện làm giá trên thị trường "hầu như chỉ có tăng mà rất ít khi giảm".
Tại buổi tọa đàm về "Hướng tới thị trường gas an minh bạch, an toàn" tổ chức sáng 19/9, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) xác nhận Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đang chiếm hơn hai phần ba thị phần cả nước.

Theo số liệu báo cáo năm 2012, PV Gas cung cấp trực tiếp cho thị trường khoảng 610.000 tấn khí hóa lỏng (LPG), đáp ứng gần 50% nhu cầu cả nước. Tính cả lượng phân phối qua các đơn vị thành viên như PV Gas Trading, PV Gas North, PV Gas South, tổng công ty này cung ứng trên 70% lượng gas cho thị trường, ông Lộc An cho biết.

Với con số này, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sự độc quyền của PV Gas sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp chi phối giá cả trên thị trường, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. "Nếu doanh nghiệp chiếm thị phần khoảng 30% trở lên thì người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng về quyền lợi", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hữu - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Gas phản pháo: "PV Gas không tham gia vào vấn đề giá cho người tiêu dùng". Theo ông, doanh nghiệp này chỉ là đơn vị nguồn, cung cấp cho các nhà phân phối và thương nhân cấp một có thương hiệu bình gas trên thị trường mà không trực tiếp tham gia bán hàng trên thị trường.

Đại diện Bộ Công Thương cũng nhận định "không ngại về việc PV Gas chiếm thị phần lớn nhất" bởi cả nước hiện có khoảng 23 doanh nghiệp đầu mối tham gia thị trường gas. "Các doanh nghiệp này đảm bảo dự trữ và cung ứng cho thị trường", vị này nói.

Liên quan đến chất vấn cho rằng giá gas vừa qua "tăng nhiều giảm ít", ông Lộc An cho rằng, việc điều tiết vừa qua hoàn toàn diễn biến theo cơ chế thị trường và biến động của giá thế giới. Cụ thể, 5 tháng đầu năm nay, giá thế giới liên tục giảm khiến giá trong nước còn khoảng từ 305.000 đến 360.000 đồng một bình 12kg. Nhưng hơn 2 tháng trở lại đây, giá thế giới tăng trở lại (tăng 65 USD một tấn từ tháng đầu tháng 6 đến đầu tháng 8) khiến doanh nghiệp trong nước phải tăng giá thêm 45.000 đồng, lên 350.000- 405.000 đồng một bình 12 kg.

Lãnh đạo Hiệp hội Gas cũng nêu quan điểm không có chuyện doanh nghiệp gas được tăng giảm giá tùy ý. "Giá gas thế giới thay đổi hàng tháng tùy thuộc vào tình hình cung cầu và được công bố bởi công ty Aramco (thuộc Ảrập Xêút) vào đầu mỗi tháng, gọi là giá CP. Từ năm 2001 đến nay không có tháng nào giá gas giữ nguyên, dẫn tới hàng tháng các doanh nghiệp trong nước đều phải điều chỉnh theo giá CP để đưa ra giá trên thị trường", ông Hữu cho biết.

Với việc tất cả hợp đồng mua bán gas về thị trường Việt Nam được ký theo tháng và duy trì thời gian dài, ông Hữu cho biết "hầu như giá gas chỉ điều chỉnh một tháng một lần" và "doanh nghiệp không đàm phán mua được giá".

Theo Thông tư số 104 ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính, gas là là một trong 14 mặt hàng thuộc danh mục áp dụng các biện pháp bình ổn giá của Nhà nước và phải thực hiện kê khai và đăng ký giá với Sở Công Thương, Bộ Tài chính hàng tháng và trước khi thay đổi giá. Mỗi lần thay đổi giá, doanh nghiệp đều phải giải trình nguyên nhân.

PV Gas - đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hiện do Nhà nước (trực tiếp là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nắm gần 97% vốn. 6 tháng đầu năm 2013, công ty lãi gần 7.380 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do giá vốn hàng bán nhập trong kỳ giảm.

Nguồn VnExpress


Sự kiện