Nguồn lực con người là yếu tố quyết định ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp

 
Hoàng Kim Thứ Sáu | 05/07/2024 15:30

Nguồn vốn nhân lực quyết định ưu thế cạnh tranh

Khảo sát Tương lai của Công việc 2023 của Diễn Đàn Kinh Tế Thế giới cho biết 44% kỹ năng của người lao động sẽ bị gián đoạn trong 5 năm tới.

Khảo sát Tương lai của Công việc 2023 (The Future of Jobs Survey 2023) của Diễn Đàn Kinh Tế Thế giới cho biết 44% các kỹ năng của người lao động sẽ bị gián đoạn trong 5 năm tới, 6 trong 10 người lao động cần được đào tạo trước năm 2027. 

Nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất

Trong kinh doanh, con người là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm thành công. Kenichi Ohmae, 1 trong 5 bậc thầy về quản lý trên thế giới, tác giả của Mô hình 3C và hàng trăm đầu sách chiến lược và quản trị, đã đặt con người lên vị trí số một trên cả vốn và tài sản khi đánh giá sức mạnh của một doanh nghiệp. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực. Bởi vậy, nguồn lực con người là yếu tố quyết định ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ở phạm vi thế giới, Khảo sát Tương lai của Công việc 2023 (The Future of Jobs Survey 2023) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, lấy ý kiến của 803 doanh nghiệp, hiện sử dụng tổng cộng 11,3 triệu lao động, hoạt động trong 27 lĩnh vực, đến từ 45 nền kinh tế từ khắp các khu vực trên thế giới, cho biết các nhà tuyển dụng cho rằng 44% các kỹ năng của người lao động sẽ bị gián đoạn trong 5 năm tới, 6 trong 10 người lao động cần được đào tạo trước năm 2027.

Tại Việt Nam, báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 chỉ ra rằng, chúng ta còn thiếu lao động có kỹ năng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật và quản lý. Thị trường lao động cũng đối mặt với sự mất cân đối cung - cầu, đặc biệt thiếu hụt lao động chất lượng cao trong các ngành công nghệ cao và dịch vụ. Một khảo sát khác của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) năm 2023 cũng cho thấy, 55% các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt là kỹ năng mềm và khả năng sử dụng ngoại ngữ. 

Tuy nhiên, với suy nghĩ, nhân sự phải chủ động ý thức tự học nâng cấp cho bản thân, đáp ứng sẵn có các yêu cầu của công việc, đa số các doanh nghiệp và tổ chức ở Việt Nam chưa chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Ở chiều ngược lại, người lao động mặc dù ý thức được tầm quan trọng của việc liên tục học hỏi, nâng cao trình độ và tay nghề chuyên môn, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư cho việc học.

Vậy bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nên được giải từ đâu?

Chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Để có được nguồn nhân lực chất lượng, các doanh nghiệp cần chủ động, từ việc tuyển dụng những người có năng lực chuyên môn và phẩm chất tốt, tới việc hỗ trợ và khuyến khích phát triển nghề nghiệp cho họ. Theo đó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch rõ ràng cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, từ việc xác định khung kiến thức và kỹ năng cần bổ sung cho người lao động tới các yêu cầu về đào tạo như chương trình, thời gian, quy mô, ngân sách, mục tiêu đầu ra. Từ đó, lựa chọn ra hình thức đào tạo và nhà cung cấp dịch vụ đào tạo phù hợp nhất.

Theo “Khảo sát Tương lai của Công việc 2023”, các kỹ năng được ưu tiên đào tạo trong giai đoạn 2023-2027 lần lượt là tư duy phân tích, trung bình chiếm 10% các sáng kiến đào tạo; tiếp đến là tư duy sáng tạo, chiếm 8% các sáng kiến đào tạo nâng cao kỹ năng; thứ 3 là kỹ năng sử dụng AI và dữ liệu lớn, có tới 42% số công ty được khảo sát chọn ưu tiên đào tạo kỹ năng này. Nhà tuyển dụng cũng có kế hoạch tập trung phát triển cho người lao động kỹ năng lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội (40% công ty lựa chọn), tính kiên định, khả năng linh hoạt và thích ứng (32% công ty lựa chọn), sự tò mò và ham muốn học tập suốt đời (30% công ty lựa chọn).    

Các nhóm kỹ năng cần ưu tiên đào tạo cho người lao động có thể thay đổi theo từng doanh nghiệp. 

Ví dụ như đối với FPT Software, Công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, hiện có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với mạng lưới khách hàng ở khắp nơi trên thế giới thì kỹ năng tiếng Anh là ưu tiên đào tạo bởi nhân viên của Công ty cần phải có trình độ tiếng Anh đảm bảo giao tiếp, trao đổi công việc hiệu quả với khách hàng. Ngoài ra, do nhân viên của FPT Software thường làm các dự án CNTT cho khách hàng cả trong và ngoài nước, nên rất cần bổ sung kiến thức và kỹ năng về kỹ thuật, công nghệ, quản trị dự án để có thể triển khai dự án hiệu quả.

Xác định được các kỹ năng cần đào tạo cho nhân viên, cộng thêm đặc thù của một công ty đa quốc gia, với 30.000 nhân sự làm việc ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, FPT Software đã quyết định chuyển hướng từ hình thức đào tạo truyền thống sang sử dụng các nền tảng đào tạo trực tuyến, và lựa chọn Udemy Business là đơn vị cung cấp nền tảng học tập trực tuyến chính trong suốt 3 năm qua bởi với Udemy Business, nhân viên của Công ty trên toàn cầu đều có thể truy cập được vào nguồn học liệu chất lượng cao, học mọi lúc mọi nơi theo lịch biểu phù hợp với cá nhân. 

Các doanh nghiệp cần chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Các doanh nghiệp cần chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chia sẻ về tác động của việc học tập trên nền tảng Udemy Business, một nhân sự của FPT Software cho biết, mỗi khi làm dự án cho các khách hàng trong và ngoài nước, cần bổ sung kiến thức và kỹ năng để triển khai dự án, anh và các đồng nghiệp sẽ lên Udemy Business tìm hiểu bởi nền tảng này có rất nhiều khóa học hay, kiến thức chuyên sâu vào những mảng đang cần cho dự án của họ. Sau đó, đội ngũ sẽ tự học với nhau. Bằng cách đó, họ có thể tăng kiến thức và làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định đến sự thành công và phát triển của doanh nghiệp. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, và xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì doanh nghiệp càng phải chú trọng đầu tư cho tái đào tạo (reskill) và đào tạo nâng cao (upskill) cho nhân sự nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.