Thứ Tư | 20/06/2012 11:51

Nguồn cung đường thế giới dự báo tăng mạnh trong năm nay

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo sản lượng đường toàn cầu sẽ tăng khoảng 5% trong niên vụ 2011-2012.
Báo Economic Times của Ấn Độ dẫn báo cáo của FAO cho biết, sản lượng đường niên vụ 2011-2012 của thế giới có thể đạt 172,8 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ đường của thế giới cũng được dự báo tăng, lên mức 167,4 triệu tấn, do giá đường rẻ và nguồn cung dồi dào.

Trong niên vụ 2010-2011, sản lượng đường của thế giới đạt mức 165,1 triệu tấn.

Niên vụ hiện tại, trong khi sản lượng đường của nhiều nước như Brazil, Mexico và Mỹ được dự báo giảm, FAO lại dự báo sản lượng đường của Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Pakistan sẽ tăng mạnh. Sự gia tăng này thừa để bù đắp cho nguồn đường dự báo giảm ở các quốc gia nói trên.

Theo tổ chức này, sản lượng đường của Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ nhì thế giới sau Brazil, có thể đạt 28,1 triệu tấn trong niên vụ này, so với mức 26 triệu tấn trong niêm vụ trước.

FAO dự báo, sản lượng đường của Pakistan có thể đạt 5,2 triệu tấn trong niên vụ này, từ mức 4,4 triệu tấn vào niêm vụ trước. Sản lượng đường của EU được dự báo tăng lên 17,9 triệu tấn, từ mức 15,7 triệu tấn. Sản lượng đường của Nga được nhận định sẽ tăng mạnh lên 5,5 triệu tấn, từ mức 2,9 triệu tấn.

“Nguồn cung tăng và giá đường rẻ hơn được kỳ vọng sẽ làm tăng lượng tiêu thụ đường toàn cầu. Trong hai niên vụ 2009-2010 và 2010-2011, giá đường cao đã hạn chế nhu cầu tiêu thụ đường ở hầu hết các khu vực trên thế giới”, FAO nhận định.

“Tổng lượng đường tiêu thụ ở các nước đang phát triển có thể tăng thêm 2,4 triệu tấn, lên mức 118 triệu tấn trong niên vụ 2011-2012, chiếm 70,4% tổng nhu cầu đường của thế giới. Tại các thị trường phát triển, nhu cầu đường có thể tăng thêm 1,3 triệu tấn”, báo cáo của FAO cho biết.

Theo FAO, tiêu thụ đường bình quân đầu người toàn cầu năm nay sẽ đạt mức 23,8 kg.

Tuy nhiên, suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ cản trở sự tăng trưởng nhu cầu đường của thế giới vì lĩnh vực sản xuất và chế biến thức ăn chiếm tỷ trọng lớn về tiêu thụ đường rất nhạy cảm với những thay đổi về thu nhập.



Nguồn VnEconomy


Sự kiện