Nguồn cung cà phê toàn cầu giảm kỷ lục
Nguồn cung cà phê thế giới cuối niên vụ 2016-2017 sẽ giảm kỷ lục do sản lượng Robusta giảm, chủ yếu do sản lượng Robusta của Brazil thấp nhất 7 năm qua, bất chấp sản lượng Arabica của nước này tăng lên.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong báo cáo chính thức đầu tiên về thị trường cà phê niên vụ 2016-2017, dự báo, tồn trữ cà phê toàn cầu niên vụ 2016-2017 sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp, giảm 3,9 triệu bao, xuống 31,5 triệu bao, thấp nhất kể từ niên vụ 2011-2012.
Tỷ lệ tồn trữ-sử dụng giảm xuống 20,9%, mức thấp thứ 2 trong hơn 50 năm qua.
Tỷ lệ tồn trữ-sử dụng - thước đo tính sẵn có của lượng cà phê lưu kho - là chỉ số giúp người mua quyết định có trả mức giá cao hơn hay không, do vậy, được coi là thước đo giá cả quan trọng.
Dự đoán lượng cà phê tồn trữ giảm được đưa ra bất chấp triển vọng sản lượng Arabica toàn cầu niên vụ 2016-2017 đạt kỷ lục, tăng thêm gần 7,8 triệu bao lên 94,1 triệu bao, nhờ sản lượng Arabica của Brazil tăng mạnh.
USDA dự báo sản lượng cà phê Arabica của Brazil niên vụ 2016-2017 tăng 7,8 triệu bao lên 43,9 triệu bao nhờ năng suất tăng.
Theo báo cáo của USDA, trong giai đoạn ra hoa, từ tháng 9 đến tháng 11, và cả giai đoạn cây đậu quả và phát triển, thời tiết tại Minas Gerais và Sao Paulo - 2 bang sản xuất Arabica chủ chốt của Brazil, cung cấp 80% tổng sản lượng - rất lý tưởng.
Trong khi đó, tại Honduras - nước sản xuất Arabica lớn thứ 4 thế giới - giống cà phê có khả năng kháng bệnh rỉ sắt cũng giúp sản lượng tăng lên mức kỷ lục 6,1 triệu bao, tăng 400.000 bao so với năm trước.
Tuy nhiên, sản lượng Arabica của Colombia - nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới - dự báo giảm 300.000 bao do sẽ có mưa lớn vào cuối năm nay và khoảng 10% diện tích trồng cà phê bị ảnh hưởng do sâu đục thân.
USDA cũng dự báo mưa quá nhiều do hiện tượng La Nina sẽ ảnh hưởng tới việc thu hoạch trong giai đoạn tháng 4-6, và “mưa quá nhiều sẽ không chỉ ảnh hưởng tới quá trình ra hoa mà còn tạo điều kiện cho bệnh rỉ sắt lây lan”.
Trong khi đó, sản lượng Robusta toàn cầu ước tính giảm 5,4 triệu bao xuống thấp nhất 5 năm ở 61,6 triệu bao do sản lượng tại 5 nước sản xuất hàng đầu - Việt Nam, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Uganda - đều giảm.
USDA dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 2 triệu bao xuống 27,3 triệu bao do thời tiết khô hạn từ tháng 1 đến tháng 4 ảnh hưởng xấu đến năng suất.
Sản lượng Robusta của Brazil được dự báo giảm 1,2 triệu bao xuống thấp nhất 7 năm ở 12,1 triệu bao do nhiệt độ cao hơn bình thường và đợt khô hạn kéo dài tại Espirito Santo - bang trồng Robusta chủ chốt của Brazil.
Sản lượng cà phê của Indonesia - nước sản xuất Robusta lớn thứ 3 thế giới - ước giảm 1,8 triệu bao xuống 10 triệu bao do khô hạn nghiêm trọng. "Thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng xấu đến giai đoạn ra hoa và chín của quả cà phê tại Sumatra và Java - cung cấp khoảng 75% sản lượng cà phê của Indonesia".
Không chỉ nguồn cung giảm, xuất khẩu cà phê toàn cầu cũng giảm 3 triệu bao xuống 109,9 triệu bao, chủ yếu do xuất khẩu của Việt Nam, Indonesia và Brazil đều giảm, dẫn đầu là mức giảm của Indonesia, giảm 1,9 triệu bao xuống 6,1 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của Brazil sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp, giảm 720.000 bao xuống 32 triệu bao. Do vậy, lượng cà phê tồn trữ của Brazil (cả Robusta và Arabica) sẽ hồi phục nhẹ 265.000 bao lên 2,53 triệu bao, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh 12 triệu bao trong niên vụ 2013-2014.
Tồn trữ cà phê của Việt Nam sẽ giảm mạnh, xuống còn 3,5 triệu bao.
Niên vụ cà phê tại hầu hết các nước bắt đầu từ tháng 10 năm nay đến tháng 9 năm sau, trừ một số ít nước bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 3 hoặc từ tháng 7 đến tháng 6.
Nhật Trường
Nguồn Agrimoney