Người Việt uống nhiều nước ngọt, bỏ mặc dinh dưỡng
Theo một báo cáo của công ty Canadean, thị trường đồ uống có ga tại Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng trong vài năm gần đây. Sản lượng tiêu thụ đã tăng từ mức 587 triệu lít năm 2010 lên 836 triệu lít vào năm 2014. Tốc độ tăng trưởng mỗi năm đạt 9,2%.
Điều kiện thuận lợi
Mức tăng trưởng này được lý giải là do gia tăng dân số, tăng thu nhập và gia tăng số lượng người trẻ tuổi ở thành thị - một trong những nhóm người tiêu dùng quan trọng nhất.
"Việt Nam có tốc độ đô thị hóa cao, cùng với hơn một nửa dân số ở tuổi dưới 35, bảo đảm một thị trường lớn cho ngành đồ uống có ga", Erica Shaw, chuyên viên phân tích của Canadean cho biết.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh cũng khá thuận lợi cho các công ty nước ngọt quốc tế đầu tư vào Việt Nam. Sản phẩm đồ uống có ga đã được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi loại thuế này vẫn được áp dụng cho các hàng hóa khác như thuốc lá, bia và rượu mạnh.
Shaw cho biết thêm, "Quyết định không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại đồ uống có ga của Chính phủ đã tạo cơ hội cho các công ty muốn đầu tư vào ngành này ở Việt Nam".
Tại các nước như Na Uy, Đan Mạch và Mexico, cũng như tại thành phố New York của Mỹ, các sản phẩm nước ngọt đã bị đánh thuế để hạn chế mức tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Tiếp tục khai phá
Năm ngoái, một số sản phẩm mới được ra mắt nhắm vào giới trẻ thành thị Việt Nam, trong đó có Tropicana Fruitz của công ty Suntory PepsiCo Vietnam. Trong khi đó, Coca-Cola cũng khá thành công trong việc kết hợp các chiến dịch quốc tế với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Nắm bắt thói quen dùng thực phẩm và đồ uống làm quà tặng vào dịp Tết của người Việt, Caca-Cola đã quảng bá rộng rãi chiến dịch "Xe tải hạnh phúc" với kết quả khá thành công.
Mặc dù thị trường Việt Nam đã có nhận thức hơn về sức khỏe khi những sản phẩm có lượng calo thấp như Coca-Cola Light có mặt, nhưng các sản phẩm có ga bình thường khác vẫn là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng hiện nay.
Cùng với đó, các chuỗi thức ăn nhanh đang gia tăng sự có mặt tại nhiều thành phố trên cả nước, và người dân cũng ngày càng thích ra ngoài ăn uống hơn. Việc McDonald tiến vào thị trường Việt cũng sẽ góp phần tăng trưởng cho ngành đồ uống có ga.
"Những 'ông lớn' trên toàn cầu có ảnh hưởng chi phối tổng thể và thiết lập xu hướng tiêu dùng, từ đó dẫn dắt phần còn lại của thị trường", Shaw nói thêm.
Người Việt bỏ mặc chuyện dinh dưỡng
Hầu hết người Việt không chú ý đến dinh dưỡng, Food Navigator Asia dẫn lời một quan chức y tế của Việt Nam.
PGS.BS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Nhận thức về dinh dưỡng còn rất thiếu ở cả người thu nhập thấp lẫn cao. Người có tiền thường ăn nhiều nhưng lại ít chất dinh dưỡng. Trong khi đó, nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng và còi xương do các bà mẹ thiếu kiến thức để dinh dưỡng đúng cách cho con ".
Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy người dân nông thôn tiêu thụ trung bình 200g rau mỗi ngày. Mức tiêu thụ này mới chỉ bằng một nửa so với những gì mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Con số này đã không hề thay đổi gì kể từ năm 1985.
Trong khi đó, theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng tinh bột tiêu thụ hằng ngày của người Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ 16g lên 33g mỗi ngày.
Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng, 43% các trường hợp ung thư ở Việt Nam có liên quan đến vấn đề thực phẩm, bao gồm việc ăn uống không an toàn, nghèo dinh dưỡng và chế biến thức ăn không đúng cách.
Trường Văn
Nguồn Food Navigator Asia