Người Việt có thói quen du lịch ngắn ngày nhất trên thế giới
Kết quả được đưa ra dựa trên Khảo sát về xu hướng du lịch toàn cầu do Visa thực hiện, với sự tham gia với trên hơn 15.000 người đến từ 27 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Kết quả báo cáo cho thấy, khách du lịch hiện nay thường mong muốn đạt được cả hai mục tiêu “khám phá” lẫn “tận hưởng”.
Trong số 5 động lực chính khi đi du lịch, những người du lịch vì cảm giác “tận hưởng” thường đi để gắn kết hơn với bạn bè và người thân hay đơn giản là tận hưởng thời gian một mình. Riêng những du khách “khám phá” có xu hướng trải nghiệm nhiều hơn các nền văn hóa mới và thăm thú nhiều điểm đến hấp dẫn. Cứ mười người du lịch quốc tế thì có sáu người (63%) trả lời rằng họ đi du lịch vì cả hai lý do này. Tỉ lệ tương ứng ở Việt Nam là 72%, có nghĩa là bảy trên mười người.
Nghiên cứu cũng chỉ du khách Việt Nam là đối tượng thích những chuyến du lịch ngắn nhất thế giới. Trung bình chuyến du lịch gần nhất của họ chỉ kéo dài 4 đêm, ngắn hơn rất nhiều so với con số trung bình ở châu Á-Thái Bình Dương (7 đêm). Họ lựa chọn các điểm đến có thời gian di chuyển trung bình là 4,5 giờ.
Người Việt đang thích xuất ngoại hơn trong nước. Trung bình, mỗi du khách Việt sẽ đi nước ngoài 5 lần trong 2 năm tới. Con số này đã tăng lên so với 2 năm trở lại đây (3,5 chuyến). Trong đó, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật và Singapore là các điểm đến được lựa chọn nhiều nhất.
Những chuyến đi trong khu vực hiện đang vượt trội hơn cả với 91% du khách Việt từng đến một địa điểm thuộc châu Á trong thời gian 2 năm trở lại đây. Những quốc gia này sẽ tiếp tục giữ vững vị thế của mình trong hai năm tiếp theo với Mỹ gia nhập vào Top 5.
Đặc biệt, du khách Việt Nam đang chi tiêu nhiều hơn, sử dụng thẻ thường xuyên hơn. Mỗi du khách Việt dự kiến sẽ chi khoảng 1.100 USD trong chuyến đi tiếp theo. Trung bình trong chuyến đi gần nhất, họ chỉ chi 880 USD. Ông Sean Preston. Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá, người dân đi du lịch nhiều hơn, chi tiêu cho du lịch “mạnh tay” hơn chứng minh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều của tầng lớp trung lưu và khá giả. Bởi, đó là những đối tượng hứng thú với du lịch quốc tế hơn trong nước.