Người Việt có thể học được gì từ "Sói già phố Wall"?
Trong 3 ngày 18-21.9.2015 sắp tới, “Sói già phố Wall” Jordan Belfort sẽ trở lại Việt Nam lần thứ hai để chia sẻ kinh nghiệm đầu tư với cộng đồng doanh nhân. NCĐT đã trao đổi với bà Đỗ Thị Tú Anh, Tổng Thư ký Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội và là người đã có cơ hội gặp gỡ Jordan Belfort, về những giá trị thực tiễn mà chuyên gia lão luyện người Mỹ này đã đem đến cho các doanh nhân trẻ phía Bắc trong lần gặp gỡ trước.
Theo bà, vì sao chi phí để được gặp và học hỏi từ Jordan Belfort lại cao đến vậy?
Chi phí để mời Jordan về Việt Nam lên đến gần chục tỉ đồng, nhưng là rất hiệu quả do mức giá đang tăng mạnh ở các hợp đồng với các quốc gia khác. Ở các nước phát triển, bạn sẽ phải chi không dưới 4.000 USD cho mỗi lần tham dự chương trình của ông. Rõ ràng, cái giá chưa đến 1.000 USD là vô cùng hiệu quả cho việc “mua” trí tuệ từ chương trình 3 ngày được Jordan lần đầu tiên thiết kế cho riêng giới doanh nhân Việt Nam. Chính vì lẽ đó, người Việt chúng ta không thể thờ ơ. Rất nhiều người từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc hay Campuchia đã mua vé từ sớm để sang TP.HCM tham dự chương trình sắp tới.
Jordan Belfort làm giàu ở Mỹ, liệu những kiến thức ông chia sẻ có thể áp dụng được ở Việt Nam?
Việt Nam hay Mỹ thì chúng ta đều phải kiếm tiền từ quy luật vận hành của đồng tiền. Doanh nghiệp nào cũng đều phải dựa trên những yếu tố kinh doanh căn bản, và thành công hay thất bại đều muôn hình vạn trạng. Nếu một thiếu niên 16 tuổi đã biết làm giàu trên phố, bước xuống tận đáy xã hội từ cuộc sống sa đọa, chịu án tù và là mối đe doạ của phố Wall lại đi dạy về phương pháp làm giàu có đạo đức liệu có hợp lý không? Điều gì khiến cả thế giới lắng nghe Jordan Belfort với cái giá rất đắt?
Tôi cho rằng nếu một quốc gia đi sau, đang phát triển như chúng ta được học hỏi từ cả những thành công cũng như những sai lầm thảm bại của một biểu tượng doanh nhân ở quốc gia phát triển bậc nhất là Mỹ, thì đó là cơ hội thực sự đáng giá và không thể bỏ qua để thẩm thấu về đạo đức kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng người giàu hơn Jordan Belfort thì không cần phải nghe ông này chia sẻ. Bà đánh giá thế nào về điều này?
Kinh doanh giỏi đồng nghĩa với quản lý tốt sự thay đổi trong bối cảnh thế giới luôn biến động. Thành công không chỉ đo bằng số tiền tạo ra, mà còn đo bằng trí tuệ kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng. Nhiều khi cái giỏi, cái giàu của chúng ta chính là rào cản cho thành công thực sự. Ta thích kể về thành tích, nhưng lại tránh nói đến thất bại vì sai lầm; thích chia sẻ kinh nghiệm nhưng lại không biết học từ sai lầm của người khác. Jordan Belfort sẽ mang đến nhiều bài học rất hấp dẫn. Những người giàu có hơn Jordan liệu có truyền tải được các giá trị như ông làm đối với cộng đồng kinh doanh không? Tôi luôn muốn khai thác “phần chìm của tảng băng trôi” trong mỗi doanh nhân lão luyện như “Sói già phố Wall”.
Phương Hà