Người Việt chi hàng nghìn tỷ đồng cho snack mỗi năm
→Thị trường snack: Món ăn vặt nửa tỉ USD của người Việt
→Dế vàng BBQ: Snack thế hệ mới
Snack bán rất chạy
Theo báo cáo của Nielsen, hiện người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dòng sản phẩm thức ăn nhẹ, vượt trên cả chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu, trong đó, Snack có mức tăng trưởng 21%, mạnh nhất trong nhóm thực phẩm tại thị trường Việt Nam.
Theo hãng nghiên cứu Statista, tổng doanh thu Snack tại Việt Nam năm 2017 ước tính khoảng 354 triệu USD, tương đương 8.035 tỷ đồng. Bước sang 2018, doanh thu sẽ tăng thêm 7% và ước tính đến 2021 sẽ đạt 455 triệu USD, tương đương 10.400 tỷ đồng.
Bà Liên, chủ cửa hàng tạp hóa Út Liên ở đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) cho biết, trong số các loại bánh kẹo, đồ ăn vặt nhanh bán tại cửa hàng, snack bán chạy nhất. “Loại này không chỉ trẻ nhỏ mà thanh niên dưới 30 tuổi đều rất chuộng. Một tuần tôi lấy khoảng 200 bịch nhưng nhiều khi chỉ 2 ngày đã hết hàng”, bà Liên nói và cho biết thêm, loại này bán dễ mà lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại bánh kẹo khác.
Là đơn vị chuyên bán sỉ bánh kẹo tại đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), chị Bé cho biết, doanh số đến từ snack lên tới cả tỷ đồng một năm. Với loại snack giá thị trường 5.000 đồng, chị đổ sỉ cho khách 3.600 đồng một gói. Nếu khách lấy số lượng càng nhiều thì giá sẽ được điều chỉnh.
“Loại này tuy cồng kềnh nhưng bán nhanh, bảo quản dễ. Đại lý của tôi bán 3 năm nay nhưng doanh số luôn tăng 10 -15% một năm”, chị Bé nói.
Nguồn: Vinabiz |
Lợi nhuận sản xuất sản phẩm này rất cao
Chia sẻ trên VnExpress, ông Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân gạo Cỏ May có trụ sở ở Đồng Tháp cho biết, thị trường snack khá tiềm năng và lợi nhuận cao. Ông Giang dẫn chứng, điển hình như sản phẩm snack da cá tra, nếu giá phụ phẩm này ở mức 8.000 đồng một kg thì sau khi chế biến giá trị tăng gấp vài chục lần. Sau khi trừ các khâu chi phí thì lợi nhuận thu được có thể chiếm tới 50% giá thành phẩm.
“Chúng tôi bắt đầu xuất khẩu da cá tra sang Singapore để đối tác làm snack từ giữa năm 2017. Khi khảo sát về nhu cầu tiêu dùng, loại này khá tiềm năng và có thể phát triển tốt ở thị trường Việt. Để đón đầu xu hướng, ngoài xuất khẩu, sắp tới Cỏ May sẽ nghiên cứu khẩu vị, cách tẩm ướp của các nước như Singapore, Malaysia, châu Âu, Việt Nam để chế biến ra sản phẩm phù hợp và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm snack từ da cá tra đầu tiên tại Việt Nam”, ông Giang nói.
Vì là nhóm mang lại lợi nhuận tốt, công nghệ sản xuất không phức tạp nên không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước đang chen chân “đánh chiếm”. Nếu trước đây chỉ có sản phẩm snack cua và khoai tây chiên của Kinh Đô thì nay thị trường đa dạng với Oshi của Liwayway (Philippines), Poca của PepsiCo, O’Star của Orion (Hàn Quốc)..., cùng hàng loạt sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan và Hàn Quốc. Mức giá cũng phủ kín phân khúc từ thấp đến cao, 2.000 - 40.000 đồng một gói.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh snack cho biết, mặc dù thị trường khá cạnh tranh nhưng lợi nhuận đạt được từ mảng này vẫn rất cao. Điển hình như công ty Orion của Hàn Quốc, đơn vị đang nắm trên 50% thị phần bánh chế biến tại Việt Nam, doanh thu của mảng snack luôn ở mức 2 con số. Cụ thể, năm 2016, mảng bánh kẹo đơn vị này đạt doanh thu 174,5 triệu USD, tăng 24,1% so với năm trước, thì riêng với snack doanh thu tăng trưởng gần 40%. Sang đến quý I năm nay, 3 tháng đầu năm công ty bán ra thị trường 20.392 sản phẩm snack, chiếm 30% trong tổng số sản phẩm thuộc nhóm bánh kẹo của doanh nghiệp.
Cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, Pepsico cho hay, trong nhóm thực phẩm thì sản phẩm snack luôn có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất, hơn cả nhóm đồ uống.