Người trồng cao su ồ ạt đốn cây bán gỗ
Chặt cao su… do giá thấp
Những ngày trung tuần tháng 7/2014, dọc trục đường liên tỉnh ĐT741 của xã Tân Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa, Tân Bình (Tân Uyên, Bình Dương) hai bên đường đi đâu cũng nhìn thấy những thân cao su còn thơm mùi gỗ tươi được chất thành đống chờ thương lái đến mua.
Đi sâu vào bên trong, tiếng máy cưa nổ rần trời, không phải từ xưởng cưa, xưởng mộc mà từ những vườn cao su đang bị người dân đốn hạ, lẫn với tiếng xe cơ giới vận chuyển gỗ cao su đi tiêu thụ.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), năm 2014, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới sẽ thừa hơn 700.000 tấn (tồn kho lớn nhất trong 10 năm qua). Giá mủ cao su hiện còn khoảng 1.840 USD/tấn, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm khoảng 60% so với thời kỳ đỉnh điểm (tháng 2/2011). |
“Nhà tui có 5ha cao su, đã phải đốn bỏ bớt 2ha. Phần còn lại thì người nhà tự cạo mủ lấy công làm lãi chứ thuê công nhân thì không có ăn”, bà Hoa vừa nói vừa chỉ tay về đống gỗ cao su vừa mới được gia đình đốn hạ.
Gia đình bà Trần Thị Miền, ngụ ấp 1, xã Tân Bình - có thâm niên hơn 20 năm trồng cao su tại khu vực này cũng đang đứng ngồi không yên. Lật từng trang giấy thống kê về giá mủ qua từng năm, bà Miền cho biết, từ năm 2012 giá mủ cao su đã bắt đầu xuống dốc, đến khoảng tháng 5/2014 thì như trượt dốc không phanh.
“1,5 ha thu hoạch được 8 triệu đồng, chi phí công nhân cạo mủ cũng đã ngốn hơn 4 triệu đồng/người, trừ đi tiền phân bón và tiêu phí gia đình thì không có dư”, bà Miền than thở.
Tương tự, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tình trạng đốn bỏ cao su cũng đang diễn ra nhiều nơi. Anh Hoàng Xuân Tốt (ngụ xã Suối Dây, Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) chủ vườn cao su 3 ha cho biết: Từ đầu năm 2014 gia đình đã phải cho công nhân cạo mủ nghỉ việc, huy động người nhà làm thay công nhân. Nhiều hộ tiểu điền thuộc hai huyện Tân Châu, Tân Biên cũng đang đốn bỏ cao su để trồng khoai mì, sắn dây…
Cung đang vượt cầu
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc An, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xác nhận có tình trạng, giá mủ cao su xuống thấp, nguồn cung lại vượt cầu nên người dân đốn bỏ để trồng cây khác như bưởi, cam, quýt…, vừa phù hợp với thổ nhưỡng, vừa cho giá trị cao gấp hai đến ba lần so với mủ cao su.
Theo khảo sát, người dân trồng cao su cho rằng, nguyên nhân giá mủ cao su giảm, không loại trừ khả năng lượng mủ thu hoạch được các thương lái bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên có thể bị ép giá. Ngoài ra, từ năm 2011, giá mủ cao su tăng cao, nên nhiều tỉnh đồng loạt trồng cao su dẫn đến cung vượt cầu...
Ngày 22/7, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Đồng Quảng - Phó cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, giá mủ cao su đã xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua và xu hướng giảm giá này còn diễn ra trong vài năm tới, do thị trường cao su trên toàn thế giới đang có xu hướng cung tăng nhanh hơn cầu, dẫn đến sức ép giảm giá.
6 tháng đầu năm, diện tích cao su chặt thanh lý và chuyển đổi trên cả nước là 3.856ha, trong đó có 3.123ha cao su già cỗi hoặc bị bão không phục hồi được phải chặt để giải phóng đất, tái canh cao su bằng giống mới năng suất cao; 733 ha mới trồng hoặc bắt đầu kinh doanh chuyển đổi tự phát sang cây trồng khác, trong đó có khoảng 388 ha cây cao su đã 3 - 4 năm tuổi nhưng do người dân ở thời điểm mủ cao su tăng giá đã vội trồng trên chân đất không phù hợp, chăm bón kém, nên cây sinh trưởng kém bị người dân phá bỏ.
Với diện tích cao su nước ta đạt khoảng 955.600 ha (số liệu năm 2013), vượt khoảng 115.000 ha so với định hướng quy hoạch cả nước được Thủ tướng phê duyệt trước đó, ông Quảng khuyến cáo các tỉnh không tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su; đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cạo mủ để giảm giá thành.
Nguồn GTVT